Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hạ Long, Quảng Ninh, nơi anh chị và các cháu tôi mỗi mùa 27.7 lại đến thắp nhang, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ |
Hành trình ngược xuôi ấy dẫu còn nhiều khó khăn giữa tháng năm vất vả của đất nước năm 1991. Nhưng là hành trình đầy ắp yêu thương của tình người. Và trong hành trình thiêng liêng ấy, sau 31 năm, bố tôi vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc, những cái tên những người cựu chiến binh năm ấy là quản trang nghĩa trang Thủ Đức, TP.HCM, đã giúp đỡ, để bác tôi được trở về lần cuối cùng trong lòng mẹ.
Những lá thư gửi mẹ
Bác tôi là Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1959, ngày bác viết đơn tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là năm 1977, khi ấy bác vừa tròn 18 tuổi. Tháng 11.1977, bác lên đường nhập ngũ, sau hơn 3 tháng huấn luyện ở Hà Bắc (tên gọi trước đây của tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh), bác hành quân về biên giới phía Nam.
Bà nội tôi ngày còn sống kể lại, trước ngày lên đường, bà nội căn dặn: “Con đi nhớ biên (viết) thư về cho mẹ, để mẹ đỡ trông tin con”. Đều đặn, khoảng 2 tháng, nhà chúng tôi nhận được một lá thư của bác, vài chữ viết vội vàng.
Năm 1983, lần duy nhất bác được về phép thăm nhà, trong những ngày tháng ít ỏi được ở bên gia đình, bác giúp bà nội sửa sang căn nhà cũ đỡ dột nắng mưa. Trong trí nhớ của bố tôi, “những ngày về phép, ngoài lúc giúp mẹ sửa nhà, anh Chương hay mắc một chiếc võng nằm giữa hai cây nhãn, cạnh mấy bụi tre cuối vườn”.
Rồi bác lại lên đường. Bước qua năm 1984, suốt 4 tháng trời bà nội tôi không nhận được một lá thư nào. Lòng bà như lửa đốt. Cho đến một ngày, bà đi chợ và nghe được tin từ một người thân quen, cũng có con trai nhập ngũ trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam như bác. Là tin dữ. Bác tôi bị thương ở vùng đầu, được đưa về điều trị ở Bệnh viện quân y 175, TP.HCM nhưng sau đó đã hy sinh.
Một năm sau đó nhà vẫn không nhận được giấy báo tử, bà nội tôi gieo một niềm hy vọng nhỏ nhoi nào đó, rằng có sự nhầm lẫn bác tôi vẫn đang ở chiến trường, chỉ vì điều kiện chưa cho phép để biên thư mà thôi.
Nhưng năm 1985, đã có giấy báo tử. Hóa ra địa chỉ giấy báo tử gửi về xã Phong Cốc, Yên Hưng, Quảng Ninh, địa chỉ nguyên quán trong giấy khai sinh nên bị thất lạc. Giấy báo tử ghi, bác tôi hy sinh ngày 16.4 (âm lịch) năm 1984. Lúc ấy, bác 25 tuổi.
Tấm bằng Tổ quốc ghi công được trao cho bà nội và gia đình tôi sau khi bác tôi hy sinh. Kế bên là tấm ảnh của bác - liệt sĩ Nguyễn Văn Chương. Trước lúc hy sinh, bác là đại đội phó |
Sau này nhờ một người thân khác, làm vận tải đường dài, gia đình chúng tôi mới nhờ người đàn ông ấy đi các nghĩa trang ở TP.HCM tìm mộ của bác tôi. Sau nhiều ngày, ông đã tìm ra phần mộ ở nghĩa trang Thủ Đức, TP.HCM.
Từ Bắc vào Nam tìm hài cốt liệt sĩ
Những năm tháng bao cấp của miền Bắc muôn trùng khó khăn, bà nội tôi lúc nào cũng đau đáu đưa được hài cốt của bác về gần bên gia đình. Nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. Đi từ Quảng Ninh vào TP.HCM những năm tháng ấy thật không thể dễ dàng.
Năm 1991, sau khi cô tôi đi xuất khẩu lao động về, kinh tế ổn hơn. Tháng 3.1991, bố tôi và chú tôi đi xe khách 3 ngày 2 đêm, từ Bãi Cháy vào tới bến xe miền Đông, TP.HCM, đi tiếp một chặng xe nữa để vào tới nghĩa trang Thủ Đức.
Gặp những người quản trang, cũng là những cựu chiến binh, bố tôi đưa giấy báo tử của bác, giấy giới thiệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và trình bày nguyện vọng mong được đón bác về gần hơn với người thân.
Trí nhớ của bố tôi vẫn rành rọt, dẫu bây giờ đã là 31 năm sau chuyến đi từ Bắc vào Nam tìm hài cốt của anh trai mình. Ông kể: “Người quản trang ấy tên là Nguyễn Văn Ba, bác Ba đưa mọi người tới khu liệt sĩ quê quán ở Quảng Ninh, có khoảng 30 liệt sĩ, và bố tìm thấy ngay bác Chương”.
Một số thủ tục hành chính cần thiết để bố và chú tôi được đưa hài cốt bác rời khỏi nghĩa trang, trở về Bắc, trên một chuyến xe khách khác dài hơn 3 ngày. Trong hành lý, còn là tấm bia mộ được khắc bằng đá, được mang từ nghĩa trang Thủ Đức về quê nhà.
Có một kỷ niệm mà bố tôi không thể quên, đó là đêm cuối cùng ở nghĩa trang, những người quản trang, những cựu chiến binh đã giúp đỡ, cùng giúp hài cốt của bác Chương được an yên trong một chiếc túi du lịch mới đã cùng làm một lễ tưởng niệm, để bác tôi được “trở về nhà”.
Bác Nguyễn Văn Ba, bác Bình, hai người đàn ông bố tôi còn nhớ tên, cùng ăn một bữa cơm đơn sơ với bố và chú tôi. Bên bàn, bác Bình còn để riêng một chiếc ghế trống, chiếc chén (bát) mới, đôi đũa mới, để mời bác tôi, người đồng đội năm nào cùng ăn một bữa cơm…
Trên ngọn đồi, bác tôi nằm đó. Những nhành hoa trắng được các cháu mang tới vào ngày 27.7, tưởng nhớ sự hy sinh của bác |
Những nhành hoa trên ngọn đồi
Tháng 3.1991, miền Bắc còn mưa phùn, gió rét. Ngày bố tôi đưa hài cốt của bác về tới cổng nhà, anh trai tôi 8 tuổi, anh vẫn còn nhớ như in dáng hình liêu xiêu của bà nội, những bước chân đi không vững và những giọt nước mắt không kìm được khi bà nội ôm chiếc túi du lịch mới. Người thanh niên 18 tuổi, thật cao lớn khi vẫy tay từ biệt mẹ và các anh chị em rồi lên đường. Trong lần trở về cuối cùng, ở bên mẹ, người thanh niên ấy cũng được nằm trọn vẹn, trong lòng mẹ, như ngày nào anh mới đến cuộc đời này.
Ngày tôi chào đời, mộ phần của bác Chương đã an yên trên lưng chừng ngọn đồi. Ngọn đồi ấy chứng kiến những bước chân của anh em chúng tôi và tất cả những đứa trẻ trong xóm nhỏ cùng bước chân tới trường. Trường học hạnh phúc, tương lai được viết tiếp. Chúng tôi lớn khôn, đất nước hòa bình, bom đạn là một phần của lịch sử. Nhưng những câu chuyện về bác, sự hy sinh của bác và những người lính ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình, thống nhất hôm nay không bao giờ được lãng quên.
Những đứa cháu của tôi, người gọi bác Chương là “ông” vẫn được kể câu chuyện về liệt sĩ của gia đình mình mỗi năm. Trước ngày thương binh liệt sĩ 27.7, những đứa trẻ được đưa đến đốt nhang, cắm những nhành hoa tươi, lau dọn lại phần mộ của bác. Anh chị tôi ở Hạ Long cũng đưa các cháu tới nghĩa trang liệt sĩ của Thành phố, để tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Chúng tôi ngước nhìn lên trời xanh. Bác tôi là liệt sĩ, giờ đây bác là nắng, là gió, là nhành cây, là đất nước ngày hôm nay…
Bình luận (0)