Hành trình từ cô gái con nhà nông đến thạc sĩ y khoa

22/11/2023 10:00 GMT+7

Lê Thị Cẩm Trinh (29 tuổi) đã quyết tâm theo đuổi nghề bác sĩ để thay đổi cuộc sống của bản thân và giúp đỡ gia đình. Năm 2023, cô gái này tốt nghiệp thạc sĩ y khoa loại giỏi chuyên ngành da liễu.

Cha mẹ làm nông tại tỉnh Hậu Giang nên Cẩm Trinh luôn cố gắng học tập thật tốt để thay đổi số phận. Anh và chị của Trinh đã nghỉ học từ sớm để nhường cơ hội đến trường cho cô em gái nhỏ. Dù đi học không có được quần áo mới, dép đứt quai phải lấy chỉ, dây kẽm khâu lại để mang tiếp nhưng chưa bao giờ cô học trò Cẩm Trinh ngày đó ngừng mơ về tương lai trở thành bác sĩ.

“Là con gái học bác sĩ rất cực, từ năm 3 phải đi thực tế về lâm sàng, ngủ ở bệnh viện còn nhiều hơn tại phòng trọ. Những ngày ngủ ngoài hành lang bệnh viện vừa sợ, tủi thân nhưng nghĩ về cha mẹ, anh chị ở nhà thì mình lại có động lực tiếp tục cố gắng”, Trinh cho biết.

Hành trình từ cô gái con nhà làm nông đến thạc sĩ y khoa - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

NVCC

Những năm đầu đại học, chưa phải đi thực tế về lâm sàng tại bệnh viện nên Trinh đã tranh thủ dạy kèm để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, vì có kiến thức về y khoa nên Trinh thường xuyên chia sẻ các bài viết với nội dung chăm sóc da lên mạng xã hội và thu hút được hàng trăm lượt theo dõi. Từ đó, Trinh “bén duyên” thêm với việc bán mỹ phẩm trực tuyến.

Trong quá trình học y đa khoa tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Trinh cho biết sợ nhất là môn nhi khoa vì bệnh ở đối tượng này sẽ diễn tiến rất nhanh nên phải theo dõi sát sao. Theo Trinh, con gái học ngành y sẽ gặp bất lợi về mặt sức khỏe khi đi trực tại bệnh viện. “Theo nghề bác sĩ rất vất vả, có ngày mình trực ở bệnh viện từ chiều tối tới 6 giờ sáng, sau đó phải tiếp tục đi học cả ngày. Ngủ không đủ giấc nên da nổi nhiều mụn, khô… trông mình lúc đó rất thiếu sức sống”, Trinh nói.

Hành trình từ cô gái con nhà làm nông đến thạc sĩ y khoa - Ảnh 2.

Bác sĩ Cẩm Trinh vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ vào đầu tháng 11.2023

NVCC

Sau khi tốt nghiệp ngành y đa khoa của Trường ĐH Y dược Cần Thơ năm 2018, Trinh vào học tập và làm việc tại Bệnh viện Da liễu TP.Cần Thơ đến năm 2021. Chia sẻ lý do muốn trở thành bác sĩ da liễu, Trinh cho biết: “Mình sống ở miền Tây nên rất phổ biến tình trạng sử dụng kem trộn, thuốc rượu. Người dân sử dụng lâu ngày sẽ dẫn đến các biến chứng về da rất khó điều trị. Học ngành này vừa được làm đẹp cho bản thân mà còn giúp đỡ những người xung quanh tự tin hơn về ngoại hình. Mình mong muốn truyền đạt những kiến thức làm đẹp, chăm sóc da chuẩn y khoa đến mọi người, đặc biệt là phụ nữ để họ có được chất lượng cuộc sống tốt hơn”.

Với mong muốn tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực da liễu, nên năm 2021 Trinh tiếp tục học cao học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Trinh là bác sĩ có điểm thi đầu vào cao nhất chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành da liễu của Trường ĐH Y dược Cần Thơ năm ấy. Bác sĩ trẻ này cho biết gặp khó khăn khi nhận được đề tài nghiên cứu về bệnh sùi mào gà ở nam giới. Trong quá trình thực hiện đề tài, bệnh nhân có phần ngại chia sẻ, giấu những triệu chứng dẫn đến việc sai lệch về số liệu. Đến 7.2023 khi luận văn đã hoàn thành 80% thì Trinh được người hướng dẫn thông báo là sai số liệu nên phải làm khảo sát lại từ đầu.

Hành trình từ cô gái con nhà làm nông đến thạc sĩ y khoa - Ảnh 3.

Bác sĩ Cẩm Trinh có ngoại hình xinh đẹp

NVCC

“Trong vòng 1 tháng mình chỉ tập trung làm lại luận văn, mỗi ngày chỉ ngủ được tầm 2 tiếng đồng hồ. Trong quá trình thực hiện đề tài, phải tiếp xúc với cơ thể người nam rất bất tiện, nhưng vì tính chất công việc nên mình đã nỗ lực vượt qua”, Trinh chia sẻ.

Sau nhiều khó khăn thì đầu tháng 11.2023, Trinh đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành da liễu và tốt nghiệp loại giỏi.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thái Thanh Tâm, hiện đang công tác tại BV ĐH Y dược TP.Cần Thơ, nhận xét: "Tôi là người hướng dẫn Trinh trong quá trình thực hiện luận văn. Với tôi đây là một học viên chăm chỉ, chịu khó tìm tòi và có tinh thần cầu thị. Mặc dù phải thực hiện một đề tài rất khó là đánh giá tình hình sùi mào gà từ đó đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Tuy quá trình thực hiện có gặp khó khăn trong thu thập số liệu nhưng Trinh đã giải quyết vấn đề rất tốt và đưa ra kết quả cuối cùng chuẩn xác".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.