Bạn đồng hành là chiếc xe côn tay
Năm 2020, cô gái Bắc Giang ghé một homestay ở An Giang và ấn tượng trước bộ sưu tập ảnh dán trên tường ghi lại hành trình đi phượt của 2 mẹ con người chủ homestay trong 5 tháng. Khát khao đi xuyên Việt trỗi dậy trong cô gái tự nhận "có chân đi" với kinh nghiệm gần 30 chuyến phượt ngắn.
Giữa năm 2022, Yến nhận việc tại một công ty truyền thông du lịch và từ đó có thêm nhiều bạn bè khắp nơi. Cô bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến xuyên Việt với 20 triệu đồng làm lộ phí, chưa kể chi phí mua 1 chiếc xe côn tay và flycam. Yến liên hệ các homestay ở nơi dự kiến đi qua để mời quảng bá. Tuy nhiên, là cái tên còn lạ lẫm trong giới travel blogger, hồ sơ của Yến nhiều khi không nhận được hồi đáp. Ở những nơi không tài trợ chỗ ngủ hoặc hợp tác quảng bá, Yến đăng ký qua ứng dụng của giới phượt để ngủ nhờ nhà dân.
Để chiếc xe không bị "đổ bệnh" giữa đường, trước khi khởi hành, Yến mang xe đi bảo dưỡng và sắm thêm nhiều đồ dự phòng. Nhờ vậy, những lần xe cháy bugi, gãy tay côn, cán đinh… đều là "chuyện nhỏ".
"Hành trang xuyên Việt của mình có 3 chiếc ba lô để đựng quần áo, chăn, đồ sửa xe, thiết bị công nghệ và giấy tờ tùy thân. Trong suốt 9 tháng đi khám phá cảnh đẹp dọc đất nước, mình vừa đi vừa làm việc, kiếm thêm được 80 triệu đồng đủ trang trải cho hành trình 100 triệu đồng", cô gái 24 tuổi chia sẻ.
Xuất phát từ nhà ở Bắc Giang vào ngày 30.1.2023, Yến chạy lên các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu… vì lúc đó là thời điểm thích hợp để khám phá vùng núi rừng Đông - Tây Bắc. Hết 60 ngày cho cung đường này, Yến bắt đầu đi dọc QL1 vào miền Trung, Tây nguyên, miền Nam, miền Đông, miền Tây và điểm cuối ở An Giang.
"An Giang là nơi khơi dậy khát khao đi xuyên Việt nên mình kết thúc hành trình ở đây để báo với chủ homestay rằng mình đã hoàn thành mục tiêu của bản thân. Ngày 30.10.2023, mình từ An Giang trở về TP.HCM kết thúc hành trình xuyên Việt", Yến nói.
Đi để trưởng thành
Đi dọc đất nước, cô gái quê Bắc Giang cảm nhận rõ sự thay đổi của cảnh sắc, thời tiết từ Bắc vào Nam. Nếu như ở miền Bắc là cái lạnh cắt da cắt thịt với những dãy núi cao, thảm thực vật thay đổi theo từng thời điểm trong ngày; thì ở miền Trung, Yến choáng ngợp trước nước biển trong xanh. Với miền Tây, Yến đã có một trải nghiệm "nhớ đời" khi đang ngủ đêm rằm tháng 8, nước dâng lên sát chân giường làm ướt sũng ba lô đựng ổ cứng chứa nhiều dữ liệu của chuyến đi.
Theo nữ phượt thủ, đi một mình khó tránh khỏi cảm giác cô đơn. Đến đâu, Yến cũng chủ động bắt chuyện với mọi người, nhiều khi trò chuyện với bạn đồng hành là chiếc xe máy. Biết cách tìm niềm vui trong sự cô đơn, hành trình của cô gái trở nên thú vị hơn.
Yến tâm sự: "Sau chuyến đi, mình không chỉ mạnh mẽ hơn về sức lực mà về cả tinh thần. Mình đã vượt qua nỗi sợ hãi, dám bước ra khỏi vùng an toàn với nhiều trải nghiệm là hành trang cho cuộc đời sau này. Theo mình, để mỗi chuyến đi được suôn sẻ, các bạn nên có sự chuẩn bị kỹ càng, chắc chắn mình phải tự xoay xở, tự lo được".
"Một hành trình 9 tháng không "trải đầy hoa hồng", quan trọng là cách chúng ta đối diện và vượt qua nó. Với mình, tất cả là trải nghiệm. Vui, buồn đều đáng quý", Yến chia sẻ.
Bà Chu Thị Duyên (50 tuổi), mẹ của Yến, cho biết dù gia đình lo lắng nhưng thấy con gái bản lĩnh nên tin tưởng để con thực hiện ước mơ của mình. "Về đến nhà, Yến ôm mẹ thể hiện tình cảm. Tôi thấy con đã trưởng thành, già dặn hơn và rất tự hào về con gái", bà Duyên bày tỏ.
Theo dõi hành trình của Yến, anh Võ Duy Khánh (32 tuổi), người từng đi xuyên Việt, nhận xét: "Để một cô gái hoàn thành chuyến xuyên Việt thì đó là sự cố gắng rất nhiều. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi khuyên Yến không nên chia sẻ trực tiếp hành trình của mình để phòng các trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu đi phượt một mình thì đi qua các địa điểm khoảng 1 - 2 tuần rồi mới check-in để bảo đảm an toàn cho chính mình".
Bình luận (0)