Ngày 20.5, tại tỉnh Long An xảy ra vụ việc phụ huynh xông vào lớp, dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu cô giáo chủ nhiệm lớp 1/1 của Trường tiểu học và THCS Lộc Giang (ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, H.Đức Hòa) khiến cô giáo phải đi cấp cứu.
Lý do là vì cô không cho con của phụ huynh này về sớm và có hành vi đánh học sinh (!?). Hai năm trước cũng tại tỉnh Long An xảy ra sự việc gây bất bình trong xã hội là phụ huynh học sinh Trường tiểu học Bình Chánh bắt giáo viên chủ nhiệm quỳ gối giống như con mình đã bị phạt.
Cũng trong ngày 20.5, tại tỉnh Ninh Thuận, do mâu thuẫn, một học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP.Phan Rang-Tháp Chàm) dùng dao đâm bạn bị thương ngay trong sân trường.
Nhưng đến vụ việc mà báo chí nêu lên trong ngày 21.5 tại Trường tiểu học Quang Trung (P.Vạn Mỹ, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) thì càng cho thấy giáo dục trong nhà trường có vấn đề về mặt ứng xử.
Một giáo viên nếu có kỹ năng sư phạm tốt hoặc yêu thương học sinh thì khó lòng phê bình và chụp hình đưa lên Zalo các học sinh đến trường sớm, nô đùa mà theo cô là ảnh hưởng đến các học sinh bán trú. Từ đó khiến một học sinh khác do sợ bị phê bình như các bạn nên khi đi học sớm đành đứng ngoài cổng trường dưới trời nắng nóng giữa trưa.
Chúng ta đã trải qua những ngày cách ly xã hội vì dịch Covid-19 khiến mọi thứ trở nên thay đổi rất nhiều. Việc học sinh trở lại trường trong thời điểm vào hè, nắng nóng, lịch học dày đặc để theo kịp chương trình khiến cả giáo viên, học sinh và phụ huynh căng thẳng. Những nền nếp, quy định được tạo dựng trong thời gian ngắn ở học kỳ 1 nay bắt đầu khởi động lại thì chắc chắn cần sự kiên trì, nhẫn nại cả phía giáo viên lẫn học sinh, nhất là với học sinh lớp 1. Những lúc này lại càng cần sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh để mọi thứ đi vào ổn định.
Hành xử của trẻ nhỏ thường là phản chiếu hành vi của người lớn. Trẻ sẽ học được bài học gì về cách ứng xử khi trong những năm tháng đầu đời đến trường đã thấy phụ huynh hành hung giáo viên dù với bất cứ lý do nào? Thật khó chấp nhận khi một thầy/cô nào đó có những hành vi lệch chuẩn. Cũng như vậy, càng bất bình khi phụ huynh đối xử thiếu tôn trọng với giáo viên, nhất là người đang trực tiếp dạy dỗ con mình.
Những câu chuyện phản giáo dục xảy ra trong môi trường giáo dục, nơi đòi hỏi cần được dẫn dắt bởi tình yêu thương, sự tôn trọng, khiến chúng ta ít nhiều băn khoăn về khoảng trống đạo đức học đường.
Dạy một đứa trẻ trở nên giỏi giang trong học tập, thành tài đã khó; nhưng giáo dục để trở thành một con người bình thường, sống tử tế với người, với đời lại càng khó hơn. Công việc ấy đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ các nhà giáo được đào tạo bài bản mà còn cả từ phía phụ huynh.
Bình luận (0)