Bàn tán không phải vì việc nuôi gà trong khu phố là quá nghiêm trọng hay số lượng 9 con gà là quá “khủng” mà nó nằm ở chỗ cái khóa và người bẻ cái khóa đó để vào “bắt gà”.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chưa bàn đến việc ông Đào Tuấn Anh nuôi gà làm ảnh hưởng đến người khác và vi phạm nguyên tắc cộng đồng, chỉ nói đến chuyện hành xử của cán bộ phường.
“Bẻ khóa - bắt gà” là những từ chỉ dành cho một nhóm đối tượng không lương thiện, nhưng những từ này, trong vụ việc này, lại dùng để chỉ hành động của cán bộ phường và tổ dân phố - những người gần dân nhất - nên thấy có cái gì đó khá mỉa mai.
Một đứa trẻ khi còn nhỏ cũng được bố mẹ dạy, đến nhà ai thì phải gọi cửa. Cho dù nhà lúc đó cửa có mở toang mà chưa có sự đồng ý của chủ nhà thì vẫn không được vào. Đằng này, cán bộ phường chưa có trong tay lệnh khám nhà hay cưỡng chế thì xem ra bài học thời nhỏ vẫn chưa thuộc.
Mặc dù sau vụ việc, chủ tịch UBND phường thừa nhận là “anh em hơi nóng vội”, nhưng sự việc đã đi quá xa, hình ảnh cán bộ phường trong mắt dân đã xa thêm một bước.
Đây không phải là câu chuyện cá biệt, trước đó, ở Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng xảy ra vụ cưỡng chế chuồng heo, bắt đi 10 con heo cũng gây nên chuyện lùm xùm.
Người dân, dù sống ở đâu thì sâu xa trong bản chất vẫn còn gốc gác nông dân và tư tưởng tiểu nông, chúng ta có thể trách họ về chuyện này chuyện khác nhưng nghĩ cho cùng thì họ cũng phải đối mặt với cuộc mưu sinh để tồn tại. Vì thế, nhiệm vụ của người lãnh đạo gần họ nhất (cán bộ phường, xã) là hướng dẫn và thuyết phục họ trước khi đưa ra các biện pháp hành chính chẳng đặng đừng.
Ở một khía cạnh khác, không ít người dân chúng ta cũng khá là “tinh tướng”, điều đó đã dẫn đến hành động “làm lấy được cho biết mặt” của cán bộ. Trong lúc đó, cán bộ xã phường nhiều người khi mới có một chút quyền lực trong tay thì mắc bệnh thể hiện quyền lực. Đó là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc tai tiếng không kiểm soát được.
Dân gian có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, đồ rằng, bất kỳ người dân nào khi được cán bộ đến nhà phân tích phải trái, lý tình thì họ đều nghe ra cả, chẳng ai thách thức hay tinh tướng với người chân tình với mình. Có điều, cán bộ hầu như ít người nhớ đến chuyện đó, coi đó làm trọng, là phương châm đạt đến mục đích, họ điều hành theo kiểu “tôi nói anh phải nghe” mới sinh chuyện.
Từ chuyện nhỏ như con gà, con heo… lâu dần thành thói quen rồi hành xử chuyện con người cũng theo cách đó. Chuyện giấy chứng tử ồn ào vừa qua là một ví dụ.
Vô cảm, hành dân là những từ quá quen tai, nó nguy hiểm đến mức ai cũng cho đó là chuyện bình thường, không vô cảm, không hành mới lạ (!).
Nhưng nó đã đi quá xa, trái với tất cả những gì người dân chiến đấu, hy sinh, xã hội dày công vun đắp!
Bình luận (0)