Từ một bãi sình lầy, lau sậy, cỏ dại mọc um tùm. Giờ đây, khu vực ven sông Sài Gòn đã được chỉnh trang rực rỡ để chào đón năm mới 2024.
Sau gần 1 tháng kể từ ngày khởi động dự án cải tạo, công viên bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn tại phường Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) đã hoành thành.
Háo hức 'check-in' khu vườn vạn cây hoa hướng dương bên sông Sài Gòn
Điểm đặc biệt trong đợt cải tạo này chính là thành phố Thủ Đức đã đầu tư trồng cánh đồng hoa hướng dương với khoảng 37.000 cây. Vườn hoa này được xem là biểu tượng cho sự sáng tạo của thành phố và cũng chính là nơi thu hút người dân, du khách tới chụp hình "check-in".
Công viên bờ sông Sài Gòn phía bờ Thủ Thiêm được xây dựng trên phần đất có diện tích khoảng 20 hecta, chiều dài khoảng 600 mét và bề rộng trung bình 40 mét, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 90 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Toàn bộ công viên được chia làm 13 hạng mục chính như khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, sân sinh hoạt cộng đồng đa năng, chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá, đài phun nước, hệ thống màn hình LED cổ động chính trị kết hợp quảng cáo.
Tất cả người dân, du khách khi đến công viên bờ sông Sài Gòn đều công nhận, đánh giá cao sự chỉn chu, hoành tráng của công trình.
Lễ khánh thành công viên bờ sông Sài Gòn cũng khởi đầu tuần lễ chào đón năm mới năm 2024 của thành phố Thủ Đức với chủ đề "Hội tụ" diễn ra từ ngày 23.12.2023 đến ngày 17.2.2024.
Trong thời gian này, thành phố Thủ Đức tổ chức hàng loạt sự kiện tại công viên bờ sông Sài gòn như bay dù lượn và khinh khí cầu, trải nghiệm chuỗi gian hàng mua sắm, ẩm thực và các hoạt động thể thao cộng đồng.
Do đó, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một địa điểm vui chơi, giải trí lý tưởng cho người dân, du khách.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Thủ Đức, công viên bờ sông Sài Gòn không chỉ là công viên xanh mà còn là không gian tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Thủ Thiêm như đình thần An Khánh, nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng mến thánh giá Thủ Thiêm… Nơi đây lưu giữ nét đẹp truyền thống, tín ngưỡng, tôn vinh công lao, thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân, những người có công mở đất khai phá và tạo dựng vùng đất Thủ Thiêm.
Bình luận (0)