Đây là một kịch bản rất hay từ cấu trúc nội dung cho tới lời thoại, ca từ, đã từng được NSND Bạch Tuyết đóng vai chính, thăng hoa tuyệt đẹp trong ký ức của khán giả song song với vở Dương Vân Nga mà NSƯT Thanh Nga thủ diễn. Nay vở được tái dựng với hai cô đào Phượng Loan và Kim Ngân và một dàn nghệ sĩ trẻ, âu cũng là một việc làm…mạo hiểm. Bởi cái bóng của Bạch Tuyết và Thanh Nga quá lớn, mà khán giả cải lương thì hay hoài niệm “người xưa”. Cái khó của Hoa Hạ và ê-kíp nghệ sĩ hôm nay là chỗ đó. Nhưng cái thú vị của Hoa Hạ cũng là nơi đây, bởi chị luôn thích đạp bằng chướng ngại mà đi, luôn muốn làm cái gì đó mới mẻ. Thật ra, cải lương không thể dừng lại ở quá khứ, nó cần truyền trao cho thế hệ tiếp theo. Vì vậy, cũng có những khán giả muốn nhìn tác phẩm với chiếc áo mới để mà hi vọng về một tương lai…
|
Và Hoa Hạ đã khoác “áo mới” cho Thái hậu Dương Vân Nga. Chị nhằm vào nhân vật Ngoại giáp Đinh Điền (Đại Nghĩa đóng) và Quốc công Nguyễn Bặc (Xuân Trang đóng), lý giải cái đau đớn của họ khi thấy ngai vàng có nguy cơ thuộc về tay Lê Hoàn là người dòng tộc khác, chứ không phải họ không yêu nước. Tuy nhiên cuối cùng thì cả triều đình đều nhận ra Lê Hoàn mới là người có thể lên ngôi bởi tài năng và đức độ tràn đầy.
Điểm mới thứ hai mà Hoa Hạ dụng ý chính là tính bạo liệt. Chị từng nói: “Vở nào vô tay tôi cũng trở thành bạo liệt”. Khán giả sẽ thấy một không khí hào hùng, mạnh mẽ chiếm gần hết vở diễn, nhất là đoạn sau, càng phừng phừng khí thế, càng đông người, càng lửa khói trên sân khấu. Hiểu Hoa Hạ thì mới lý giải được bản dựng này. Chị muốn xốc lại tinh thần yêu nước trong khán giả, vì những tin tức về biển đảo, về chủ quyền đã sôi động từ mấy năm nay, không ai có thể thờ ơ. Cũng như NSƯT Thành Lộc dựng Tiên Nga, anh cũng đau đáu với những thông tin từ xã hội, anh cũng muốn xốc lại tinh thần yêu nước ấy. Hoa Hạ từng dựng rất nhiều chương trình lễ hội liên quan đến lịch sử, cho nên chị đem màu sắc hào hùng ấy lên sân khấu, dù nó hẹp hơn quảng trường nhưng sức rung động không hề thay đổi.
Nghệ sĩ Phượng Loan và Kim Ngân chia nhau vai diễn, đã truyền tải được chủ ý của Hoa Hạ. Phượng Loan có đủ độ mềm mại lẫn uy nghi của Dương Vân Nga, cộng với lối diễn mộc mạc, chân thật, khiến ai cũng gật đầu khen. Tuy nhiên, với Kim Ngân thì có vẻ như hơi quá đà chút xíu. Chị là con gái của cố nghệ sĩ Kim Ngọc, nhưng mấy chục năm nay chị trở thành doanh nhân, giờ trở lại sân khấu tất nhiên có những khó khăn. Khó về vũ đạo, làm sao mềm mại bằng Phượng Loan. Khó về giọng thoại, làm sao nhấn nhá giỏi bằng những bạn thường ngày ca diễn. Giọng ca chị khỏe khoắn, nhưng khi vô thoại thì không tạo được điểm nhấn. Tuy nhiên, chị cũng được cảm mến ở chỗ ca diễn đều mộc mạc và chân thành như Phượng Loan. Chỉ cần chị tiết chế sự mạnh mẽ một chút nữa thì người xem sẽ dễ chịu. Hoa Hạ dựng theo kiểu bạo liệt, nhưng không vì thế mà bà thái hậu trở nên quá dữ dội. Uy nghi khác với dữ dội. Chút xíu vậy thôi!
|
Những nghệ sĩ trẻ lần này lại thành công, trở thành dàn bao vững chắc cho vai chính. Chí Linh là anh kép đẹp ngày xưa từng đóng rất nhiều vai tướng lẫn vai mùi, với gương mặt khả ái nhưng vẫn nam tính, cho nên vào vai Lê Hoàn rất đẹp. Một Lê Hoàn trong trí tưởng tượng của chúng ta chắc cũng hao hao như thế. Giỏi võ nhưng không võ biền. Dịu dàng nhưng vẫn mạnh mẽ. Đúng thần thái của một vị minh quân. Chí Linh đã hơn 50 tuổi, giờ ca vẫn hay mà múa gươm múa giáo vẫn khỏe, âu là đáng mừng. Còn NSƯT Lê Tứ phụ trách vai Lê Hoàn phần đầu cũng giỏi nghề không kém. Lê Tứ thần sắc chính trực, ca giọng ấm áp, vũ đạo rất đẹp, anh là gương mặt thường được các đạo diễn chọn lựa để vào những vai tương tự thế này.
Điền Trung, Thanh Thảo là cặp đôi quen thuộc của cải lương, lên sàn diễn hôm nay rất lung linh. Điền Trung trong vai võ tướng Phạm Cự Lượng đúng chất hào hùng lẫn trữ tình với cô tiểu thư Tố Uyên. Anh có giọng ca ấm áp, nhiều fan ái mộ. NSƯT Quỳnh Hương cũng là một gương mặt gạo cội, chị vào vai cố mẫu không chút gì khó khăn. Lê Trung Thảo vừa là diễn viên, vừa là giảng viên và đạo diễn, anh vào vai Không Lộ thiền sư với gương mặt vô cùng thánh thiện. Nhà hát Trần Hữu Trang cung cấp cho Hoa Hạ những nghệ sĩ có nghề và có fan, thật sự yên tâm.
|
Chỉ có ca sĩ Quốc Đại, Phương Thanh, Đại Nghĩa, Xuân Trang, Gia Bảo là dân “ngoại đạo”. Phương Thanh đã tham gia nhiều vở cải lương rồi, nhưng lần này vai của chị không “bị” ca hát nhiều quá, không phải bận tâm. Quốc Đại hát cải lương khá ngọt vì chất giọng của anh vốn rất ngọt ngào. Gia Bảo là con cháu nhà Thanh Minh - Thanh Nga, giờ đóng lại vai mà ông nội Bảo Quốc ngày xưa từng đóng, công tử Đinh Lăng, hài hước chút chút cho vui đêm diễn. Còn lại hai anh kép của kịch nói, quả là hết sức cố gắng, và đã không phụ lòng khán giả. Thật ra Xuân Trang là con trai của cố NSƯT Minh Châu, người từng nổi tiếng trong vai quỷ Rip vở Nàng Xê Đa, thì anh cũng là con nhà nòi cải lương.
Thiết kế sân khấu tuy đơn giản nhưng đẹp. Trang phục của các vai phụ cũng đẹp. Chỉ có trang phục của Thái hậu thì hơi lấn cấn. Hình như quá nhiều kim tuyến, kim sa, màu sắc quá tươi. Chồng mới chết, mà bà lại mặc màu đỏ rực, mũ mão lộng lẫy liệu có phù hợp? Tất nhiên thông cảm cho sân khấu, phải đẹp và lộng lẫy để hấp dẫn, dễ bán vé. Nhưng với hoàn cảnh quy định của nhân vật này, có thể cho màu trầm xuống một chút vẫn đẹp. Màu đỏ có thể hiểu là trong khí thế quyết chiến với giặc Tống, màu đỏ luôn đi với tinh thần như vậy. Nhưng chợt nhớ, chiếc áo của Dương Vân Nga Bạch Tuyết là màu đen, sao bà vẫn diễn ra tinh thần quyết chiến ấy? Quan trọng là nội lực tỏa ra từ người nghệ sĩ nữa.
Bình luận (0)