Hào khí Gia Định qua tài hoa của đạo diễn Hoa Hạ

29/01/2024 07:09 GMT+7

Đêm 27.1, Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) rùng rùng tiếng nhạc và vỡ òa những tràng pháo tay. Vở cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) đã mang đến một hào khí tuyệt vời, khiến nhiều khán giả nghẹn ngào trước những bước đi của lịch sử.

Trở lại bối cảnh năm 1858, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), khởi đầu cho cuộc xâm lược nước ta. Vũ khí hiện đại của phương Tây đã khiến quân ta phải gian nan kháng cự. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển, suốt 2 tháng trời, giặc vẫn không chiếm được Đà Nẵng. Đô đốc Pháp Genouilly bèn đổi chiến thuật, cho tàu chiến tiến về đánh chiếm thành Gia Định, bởi đây là nơi cung cấp lương thực chủ lực cho cả nước, cũng là nơi trọng yếu trấn giữ mặt trận phía nam và hướng sang cả Campuchia. Tháng 2.1859, cuộc chiến đã xảy ra.

Hào khí Gia Định qua tài hoa của đạo diễn Hoa Hạ- Ảnh 1.

Võ Duy Ninh (NSƯT Lê Tứ) từ giã vợ (NSƯT Lê Hồng Thắm) lên đường vào Gia Định

ẢNH: H.K

Võ Duy Ninh được điều về Gia Định lãnh đạo kháng Pháp. Đứng bên ông còn có quân dân Gia Định anh dũng, mưu lược, nhưng Gia Định vẫn thất thủ vì vũ khí quá mạnh của giặc. Võ Duy Ninh bị thương nặng và tuẫn tiết theo thành, để lại tấm gương trung nghĩa sáng ngời. Sau đó, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển được điều về tiếp nối cuộc đấu tranh, đã xây dựng đồn Chí Hòa và giành được một số trận thắng, nổi bật là trận đồn Cây Mai.

Hào khí Gia Định qua tài hoa của đạo diễn Hoa Hạ- Ảnh 2.

Nữ tướng Ngọc Hà (NSƯT Tú Sương) và nữ tướng Hồng Liên (NSƯT Thy Trang) bàn trận thủy chiến trên hệ thống sông rạch của thành Gia Định

Vở diễn chỉ khắc họa lịch sử đến giai đoạn này, bật lên tinh thần anh dũng của quân dân Đại Nam, hào khí dân tộc đáng tự hào. Dù rằng sau đó nước ta rơi vào tay quân Pháp, nhưng không thể không ghi nhận những nỗ lực của các bậc đại thần và nhân dân đã hy sinh xương máu trong một cuộc chiến tranh không cân sức. Đạo diễn Hoa Hạ đã mang được chất hùng tráng truyền vào từng trái tim khán giả. Âm nhạc vang rền, vũ đạo tuyệt đẹp, ngôn ngữ, ca từ mạnh mẽ, oai nghiêm. Hoa Hạ quả thật là "bậc thầy" trong dàn dựng vở sử. Chị thổi vào sân khấu một sức mạnh nội tại để làm nên chất sử lung linh, bi tráng.

Dù vậy, kịch bản vẫn có những lớp tự sự, tâm tình, lãng mạn, cảm động đúng chất cải lương. Lúc Võ Duy Ninh chia tay vợ đầy lưu luyến, lúc ông đi thuyền thị sát sông Lòng Tàu cùng nữ tướng Ngọc Hà với tiếng hò ngân dài, đoạn vợ Võ Duy Ninh ôm xương cốt của chồng nghẹn ngào nước mắt, hay Ngọc Hà và Hồng Liên sẻ chia nỗi niềm của hai cô gái mồ côi… thấm đẫm chất cải lương. Và nhìn toàn bộ, rõ ràng đây là một thứ cải lương thuần chất, không lai căng, pha tạp, mà vẫn hấp dẫn, tuyệt đẹp.

Dàn nghệ sĩ rất giỏi của Nhà hát Trần Hữu Trang đã biểu diễn xuất sắc, cháy hết mình theo lịch sử của cha ông. Xem họ diễn, cảm nhận được tinh thần của họ. Những Lê Tứ, Tú Sương, Thy Trang, Trọng Nghĩa, Điền Trung, Lê Hồng Thắm, Hoàng Hải, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Văn Hợp… hầu hết đều đoạt giải Trần Hữu Trang hoặc Chuông vàng vọng cổ, ca diễn chuẩn mực. Và khi họ vào vai lịch sử thì khí chất càng thăng hoa. Thực sự khán giả đã có một đêm mãn nhãn và xúc động.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.