Tôi đã đến hồ Trị An (Đồng Nai) bao nhiêu lần rồi nhỉ? Tôi không còn nhớ nổi nữa. Hồ Trị An mang vẻ đẹp quyến rũ. Đến rồi lại muốn đến hoài không thôi. Thật chẳng ngoa khi những lữ khách mê xê dịch đặt chân đến đây đều ví hồ Trị An như nàng tiên kiêu sa, ẩn mình trong khu rừng Mã Đà huyền bí. Mênh mông sóng nước, bạt ngàn rừng xanh, con đường đê uốn quanh. Đứng trên bờ kè lộng gió, nhìn xa xa những hòn đảo nhấp nhô trên mặt hồ phẳng lặng như tờ, nàng đang suy tư điều gì? Hay đang hoài niệm về quá khứ hào hùng, nơi mà nàng đã và đang trở thành huyền thoại, là linh hồn của vùng đất Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay?
Tôi đứng ngay vị trí thủy điện Trị An, phóng tầm mắt rộng ra để chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp của nàng. Chiều buông. Ánh nắng vàng rơi mình xuống dòng nước trong xanh, phẳng lặng như chiếc gương soi khổng lồ. Đến nắng còn đắm chìm trong lòng hồ, tiếc nuối chẳng chịu tắt. Nơi này như không còn những phiền lo, xô bồ của phố xá, cũng không có những trận ném đá, náo nhiệt trên thế giới ảo mạng xã hội bằng những câu nói sắc lẹm tựa mũi dao đâm, làm vết thương chưa kịp lành lại chồng chất thêm những vết thương mới. Ở đây chỉ có sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.
Tiếng khua mái chèo nhẹ nhàng, con thuyền nan đơn sơ, mộc mạc lững thững trôi, lão ngư ngồi trên thuyền nhàn tản gỡ cá. Mái tóc bạc trong màu nắng cuối ngày nhuộm đỏ rực. Con người luôn đẹp nhất khi hăng say lao động. Người bạn đồng hành của tôi, đợi chiếc thuyền cập bến, liền tới gần "ngư ông" gạ gẫm mua số cá trên khoang. Thật bất ngờ, ông nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đã nhuốm những phong sương, mặn mòi mưa nắng, nhiệt tình tặng cho chúng tôi hai con cá và bày cho cách nướng mọi sao cho thật ngon.
Một lần khác, tôi theo chân anh bạn công tác tại Trường Nông Lâm có chuyến khảo sát tại lòng hồ Trị An. Trên chiếc xuồng máy hiện đại, tôi đã có những ngày trải nghiệm thú vị trên mặt hồ. Chúng tôi dạo quanh lòng hồ từ vị trí thuộc TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu, đến khu vực của xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất, ngược lên mạn bến Nôm, xã Phú Cường, H.Định Quán. Tôi không bỏ qua cơ hội khi tham gia đoàn nghiên cứu văn hóa dân gian làm chuyến ngược lên miền thượng. Nơi mà dòng sông Đồng Nai phải lòng dòng sông La Ngà, cả hai hòa cùng thành một dòng thủy chung chảy vào mặt hồ mênh mang. Đi nhiều, nghe nhiều mới biết được bao điều thú vị.
Hóa ra hồ Trị An vốn không phải sinh ra tự nhiên, mà là sản phẩm nhân tạo từ ý tưởng mang tầm vóc thời đại. Nhưng khoan hãy nói về việc ấy. Thủy tổ của lòng hồ Trị An vốn là khu rừng rậm rạp, hoang sơ, bạt ngàn cây cổ thụ. Nơi dòng chảy sông Đồng Nai cứ miệt mài xuyên không gian và thời gian. Tôi ấn tượng với cách mà một người anh trong đoàn nghiên cứu dân gian ví dòng nước sông Đồng Nai nơi thượng nguồn. Dòng nước nơi ấy cuồn cuộn chảy như tính cách của cô sơn nữ tuổi đôi mươi. Nàng mãnh liệt, hoang dại, phóng khoáng và đa tình. Nơi núi cao nàng phiêu bồng với gió mây, vô tư uốn lượn, nhảy nhót, vắt vẻo qua bao lưng chừng đèo. Nàng trườn mình trên vách đá cheo leo để lao mình ầm ầm nơi thác dữ, tiếng thác qua từng mùa âm thanh khác nhau. Khi mùa mưa tới, trời nghiêng mình trút nước dầm dề, thác gầm rú như một người đàn bà bị phụ tình. Những mùa khô, thác réo rắt những âm thanh trong trẻo. Nhưng đến bậc thang thứ chín, nơi "thác Trị An"- là thác cuối cùng, nàng lại bị vùng đất này chinh phục. Nàng trở thành người mẹ hiền đằm thắm, dịu dàng, hiền hòa trước khi chảy vào chốn bình nguyên, để ôm ấp những cù lao xanh mướt, làm nên cù lao Phố trứ danh vùng đất Biên Hòa.
"Thác Trị An" - nghe lạ quá. Khiến tôi lại phải cất công thêm một chuyến đi đến TT.Vĩnh An. Nhưng cho dù có đi mỏi chân, hỏi biết bao nhiêu người dân xung quanh hồ về thác, cũng chỉ nhận lại câu trả lời chung chung và mơ hồ. Lúc đã nản, thật may có người chỉ điểm để tôi gặp một vị nguyên lãnh đạo xã Phú Lý. Bác ấy ngoài 80, khuôn mặt quắc thước, mái tóc bạc trắng, đôi mắt sáng và vầng trán cao. Bác rót chén trà, mở cái tủ cũ nhuốm màu thời gian, lấy cuốn sổ đã sờn gáy muốn bung ra, lấy ra cho tôi xem bức ảnh về con thác đẹp đến ngỡ ngàng. Thác hùng vĩ quá, dưới là sông sâu, lởm chởm những đá được bày như bàn thạch chắn cả dòng sông, những bậc thềm đan xen, dòng nước lao mình tung bọt xóa… Giờ nó chỉ còn lại trong hồi ức của những người nay đã về miền cát trắng, hoặc là những người may mắn nơi chốn dương gian thì đã qua cái tuổi xưa nay hiếm có khó tìm như bác mà thôi.
Bình luận (0)