Chú Tám đang kiểm tra tổn phí đợt này, còn thím thì ngồi xổm ngoài hiên muối cải chua. Món này tự làm cho thuyền viên ăn kèm, cực xíu, được cái chi phí ít hơn một nửa mua ngoài, thím lẩm bẩm.
Từ ngọn gió lộng hương biển mằn mặn, tôi trông ra những lá cờ đỏ sao vàng trên nắp cabin của những chiếc ghe đậu san sát. Thoáng chốc, bao hồi ức ngày còn khóc nhè trong lớp mẫu giáo thầy Nhí chợt ùa về. Dễ cũng hơn 20 năm tôi mới quay lại Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu), vùng đất với tình người rộng rãi nhưng lại chật ních những kỷ niệm ngọt ngào tuổi thơ.
Như một cơ duyên, tôi nghĩ vậy, khi ba mẹ chọn Bình Châu làm nơi lập nghiệp. Đến vùng đất này khi mới vừa 6 tuổi, những bỡ ngỡ ban đầu của tôi nhanh chóng được xóa nhòa nhờ cái ham vui và mau quên của trẻ con. Nơi tôi ở là một căn nhà gỗ gần biển, bao quanh bởi các dãy nhà lụp xụp khác, với con đường cát biển lún chân và những dải nước mặn được sóng cuốn vào ầm ã. Nhà chú Tám, chú Mười cũng xây ngay cạnh. Ba anh em trai cứ thế dìu nhau đạp lên những ngọn sóng dữ để chở về những mành lưới đầy ắp cá tôm.
Ngày ấy nơi đây còn hoang vu lắm. Mỗi lần về ngoại, chúng tôi phải ngồi chờ đón xe dễ cũng hơn tiếng đồng hồ. Có đợt mẹ bảo tôi ngồi đợi rồi về nhà lấy thêm đồ đạc. Hôm ấy xe đến sớm, nhưng mẹ vẫn chưa quay lại. Tôi loay hoay rồi mếu máo chạy đi tìm. Lúc trở lại thì đồ đạc vẫn còn y nguyên. Chú tài xế đang đứng tám chuyện về mớ cá mới vào sáng nay, hay xe bí đỏ được thương lái chở tới đổ trước chợ bán theo giá sỉ. Chẳng ai than vãn khi phải đợi lâu. Quen ăn sóng nói gió, nhưng chưa bao giờ họ làm những người nhập cư như chúng tôi thấy đơn lẻ. Tình người nơi này ngọt như cái cách họ nêm nếm gia vị vào các món ăn, nên mặc cho ngày ấy có vất vả thật đấy, nhưng ba mẹ tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rời xa mảnh đất đó dù chỉ trong vài sát na. Chỉ là, đôi khi cuộc đời lại chọn giúp mình những ngã rẽ bắt buộc phải đi tiếp.
Lần trở lại Bình Châu này cũng là một tình cờ có chủ đích. Tôi về thăm chú Tám, người duy nhất trong ba anh em còn bám trụ với những con sóng xô bờ, khi chỉ hai hôm nữa là đám giỗ của ba, đồng thời cũng tròn 100 ngày mất của chú Mười. Nhanh thật, như cái đập cánh của lũ chuồn chuồn báo mưa dọc đồi cát.
Hai mươi năm đủ thay đổi một cô bé mít ướt ngày nào thành một cô gái kiệm lời ít khóc. Hai mươi năm đủ để biến những ngôi nhà gỗ tạm bợ đơn sơ thành căn nhà lầu khang trang, biến những dải cát lún thành đường nhựa, biến vùng đất sát biển vốn tanh mùi cá tươi trở thành cung đường mới rộng rãi và tấp nập xe cộ. Tôi bỡ ngỡ đứng trên mảnh đất từng quen, đột nhiên trở thành người xa lạ trong mắt bọn trẻ trong xóm. Có chút bùi ngùi nhung nhớ. Thử hỏi, đời người có được mấy lần hai mươi năm?
Tôi đã rất bất ngờ khi trên suốt chặng đường về nhà chú là những resort, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, quy mô. Biển được khai thác theo nhiều chiều, nên bộ mặt của đất và người nơi đây cũng dần đổi mới. Vẫn cái sang sảng hào khí ngày nào, nhưng bớt phần cực nhọc, nhiều chút cười đùa khi thấy con cháu được đi học tới nơi tới chốn. Nhiều nhà trong xóm đã sắm được xe hơi. Đường sá mở rộng cũng thuận tiện hơn cho việc lưu thông hàng hóa và vận chuyển. Chẳng còn những chuyến xe "chờ" như trước. Ngoài chút hoài niệm xa xăm, tôi thật lòng vui cho sự chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất đáng yêu này.
Tôi về bất ngờ, vậy mà thím vẫn kịp chuẩn bị cơ man đồ ăn, với đặc sản gỏi cá mai cùng các món lẩu. Chúng tôi vẫn giữ thói quen trải chiếu dưới sàn để ăn cơm. Mọi người ngồi quây quần bên nhau, vừa nhâm nhi ly rượu cay xè vừa kể cho nhau nghe những chuyện vụn vặt hằng ngày. Chút lạ lẫm ban đầu dần được những nụ cười thay thế.
Chú Tám sau bao năm tích cóp đã tự sắm được chiếc ghe riêng, rồi thuê thuyền viên đi cùng nên cũng đỡ vất vả hơn trước. Tóc chú đã lốm đốm bạc, càng nổi lên làn da rám màu nắng cháy. Mắt chú đăm đăm nhìn về phía biển. Giọng chú khàn dần, rồi như nghẹn ngào, như thúc giục: "Ba bây với chú Mười mất cả rồi, giờ còn mỗi chú. Bây coi lẹ lẹ tìm bến đỗ, trong lúc chú còn khỏe, đặng kịp lo cho bây". Nói tới đó, chú khựng lại. Tự nhiên mắt tôi hoe đỏ, thấy thương cho những bờ vai đã lắm trĩu nặng vẫn ráng gánh gồng cả đại gia đình, như ba tôi, hay chú Mười, chú Tám. Biển đem đến cho chúng tôi một đường sinh cơ, nhưng cũng lấy đi của chúng tôi những điều trân quý nhất. Ba tôi, đã mất trên một chuyến khơi xa...
Trầm ngâm giây lát, tôi ôm lấy bả vai gầy nhô lên của chú. Chúng tôi cứ ngồi đó ngắm những chiếc ghe tất bật chuẩn bị chuyến đi, nghe tiếng sóng rì rào vỗ ngoài xa, như tiếng biển gọi từ miền xa xăm hai mươi năm về trước.
Bình luận (0)