Tôi thắc mắc sao ba cứ thắp đèn hột vịt. Ba vò vò đầu tôi rồi bảo, có ngọn đèn sáng thì con sẽ được nhìn xa và bay cao thôi. Lúc đó, tôi chẳng hiểu lời ba dạy, ngô nghê nói, con đâu phải là chim mà bay được. Ba cười: "Sau này con sẽ hiểu".
Mỗi đêm rằm, trời trăng sáng vằng vặc. Khi ánh trăng rọi xuyên qua những kẽ lá cao su tạo thành một khung cảnh thanh bình yên ả, ba thường kéo tôi ra thềm ngồi kể chuyện ngày xưa. Câu chuyện ba kể chỉ quanh quẩn những điều quen thuộc về tuổi thơ, rồi đến quãng thời gian bắt đầu lập nghiệp nhưng lại khiến tôi bị cuốn vào câu chuyện mộc mạc, giản dị ấy. Ba tôi trước kia sống ở vùng Phú Yên, vì ông bà nội tôi mất sớm nên ba lang bạt vào vùng đất Đồng Nai này mưu sinh. Ba gặp má khi trong tay chẳng có gì. Lúc ấy, gia cảnh bên ngoại tôi cũng nghèo nên chẳng thể giúp được gì cho ba má, chỉ âm thầm chấp nhận mối lương duyên.
Ba má tôi lấy nhau, ra riêng mà không có đất để ở. Ba đành phải cất tạm căn chòi nhỏ giữa mênh mông rừng cao su. Căn chòi lợp lá, lát vạt tre. Đó chính là cơ ngơi đầu tiên của ba má thời ấy.
Má kể rằng, lúc nhỏ từ khi 7 tuổi, ngoài thời gian đến trường, má đã xin đi cạo mủ cao su cùng các chú, các bác trong xóm để có thêm tiền mắm muối hằng ngày và tiền sách vở đi học. Người ta thương, nhận má làm, rồi giao cho những việc nhẹ hơn để má vừa sức.
Mỗi lần tới mùa sầu riêng là ba lại buôn sầu riêng kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học. Hình ảnh ba chở hai sọt sầu riêng trên chiếc xe máy cũ kỹ, đủng đỉnh giữa cánh rừng hai bên đường bạt ngàn cây cao su và sầu riêng xen kẽ, đất đỏ bụi mù là hình ảnh in đậm ký ức tuổi thơ tôi. Nhìn hai bánh xe máy bê bết đầy đất đỏ, đôi dép tổ ong của ba đặc quánh màu đỏ, tôi thương ba vô cùng.
Đâu ai biết rằng vườn cao su nhà tôi trong thời chiến tranh chống Mỹ là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Đâu đó trong lớp đất dường như vẫn có xương cốt của những chiến sĩ quả cảm. Có phải vì thế mà từng cây sầu riêng trong vườn nhà tôi đã tự mình chắt chiu từ trong sương gió, gìn giữ mạch nguồn từ miền đất đỏ rồi bừng nở rực hồng như biết ơn những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc...
Cuối cùng sự chăm chỉ cố gắng, đầu tắt mặt tối của ba má tôi đã được đền đáp. Kinh tế nhà tôi đã khấm khá hơn. Nhà tôi đã được xây lại khang trang hơn trước.
Tôi lớn lên cùng những câu chuyện của ba, cùng những thảo thơm của vùng đất miền Đông này mang lại. Nhà tôi sống ở mảnh đất này bằng những nỗ lực không ngừng.
Mãi về sau ba mới kể. Từ hồi tôi chưa có mặt trên cuộc đời này, có một đêm ba nằm ngủ thấy một người đàn ông mặc đồ bộ đội đưa cho ba một cây giống. Biết là điềm lành, cố nhân có ý giúp đỡ mình, từ đó ba cố gắng chăm sóc vườn tược, hoa quả trong vườn và giữ thói quen thắp đèn dầu.
"Chiếc đèn dầu trước bàn thiên nhà mình giống như những ngọn hải đăng để từ rất xa ai cũng có thể nhìn thấy", ba tôi bảo vậy. Dù còn sống hay đã khuất, người ta cũng cần có một ngọn hải đăng trong lòng mình. Ngọn hải đăng của ba là niềm tin vào cuộc đời có trước có sau. Cứ sống hết lòng thì cuối cùng cũng sẽ có trái ngọt. Cũng giống như ngọn đèn hột vịt ba đặt lên bàn thờ mỗi khi chạng vạng chiều, là để ấm hương linh tổ tiên, cũng là cảm tạ đất trời, cảm ơn vùng đất này.
Tôi chợt nhớ ngày xưa, những buổi đêm sau khi đi làm về, ba lại thắp hương và cúng tạ lễ trước bàn thiên. Bỗng dưng mắt tôi đỏ hoe, hòa theo mùi trầm, mùi đất đỏ ngai ngái, mùi sầu riêng nồng nàn. Tôi cảm nhận được rằng, ba đang cảm tạ và trao đi. Lời của ba như văng vẳng bên tai tôi: Trao đi là một niềm hạnh phúc. Cho đi đúng nơi, đúng chỗ, đúng người, càng là niềm an lạc. Đúng, ba nói đúng. Sự thảo thơm ấy như chính ba má và vùng đất này đã cho tôi một tuổi thơ trọn vẹn, để rồi tôi lớn lên với tràn đầy những ước mơ và chưa bao giờ dừng hành trình tìm kiếm những điều tốt đẹp trên đời.
Bình luận (0)