Cô cười: hồi ấy bạn bè cô xa quê nhiều lắm, người đến Bình Dương, người qua Sài Gòn; người ra đi đặt cược cả hy vọng trong từng nỗi nhớ và giọt mồ hôi. Cô đến với ngôi làng bên sông Sài Gòn làm một người nông dân "lạc hậu", gói giấc mơ theo từng cánh hoa măng. Lái Thiêu trở thành quê hương thứ hai từ ấy! Làng cô đổi thay theo nhịp thở của Bình Dương, chỉ còn những đôi tay gói ghém giấc mơ nơi đây như cô đôi lúc hoài niệm chốn cũ, hoài niệm đôi mươi, có những nỗi nhớ xế chiều thật lạ, nhớ đất Bắc, nhớ cả Lái Thiêu thuở ban sơ khi những vườn măng rợp trái ven đường, mít tố nữ rộ hương, nhành dâu ngăn lối cô đi... Trong nỗi nhớ của cô, Lái Thiêu như đang xa, đang mờ theo nhịp thở đô thị…
Sáng gần Giáng sinh, Lái Thiêu như lạnh, như dỗi hờn từng tán lá vậy. Có vườn vẫn còn thấp thoáng vài hàng cau non như đơn lẻ, như lạc trong ánh nhìn đô thị, lòng cô bỗng thấy nao nao ngày tết đã cận kề, Lái Thiêu như già, như cô đơn ngay từng mảnh vườn. Thấm thoát mà đã gần 30 năm, kể từ ngày cô rời quê nhà đến ngôi làng ven sông. Thời tuổi trẻ, ai không mang những hoài bão với muôn vàn ý tưởng cho tương lai. Cô ra đi với bao nhiêu kỷ niệm của những vui, buồn lẫn lộn, với bao nhiêu cảm xúc của tuổi trẻ, hồn nhiên ngây thơ, trong trắng của tuổi mới lớn và cả những kỷ niệm yêu đương thuở trăng tròn, rét Bắc. Bên bóng những vườn măng, ru cùng những gốc dâu trĩu vàng, đi qua tháng năm, cô làm vợ, làm mẹ, đô thị hóa đến gần hơn những vườn cây. Giấc mơ về một ngôi làng trĩu quả ngọt, ngát hương hoa dần không còn trọn vẹn như xưa khi những mảnh vườn đứng trước sự lựa chọn của cuộc sống hối hả, đủ đầy. Bất giác xuân sang, cô mang nỗi nhớ thấp thoáng về bóng dáng những ngôi làng: Nơi cô ra đi có những cánh đồng hoa cải ven sông Hoạt, làng nơi cô đến có những vườn măng nghiêng bóng bên sông.
Bạn bè cô cũng đều ra đi từ những làng quê nghèo, trong những câu chuyện họ kể nhau nghe giữa đêm giao mùa có những cánh đồng cải quá vụ nở hoa vàng ươm, có người thương trên cánh đồng dâu tằm, có những ao đình trong veo các mẹ tranh thủ giờ trưa giặt giũ. Trong những khoảnh khắc buồn vui của tuổi trẻ cô đôi lần lại khao khát về ngôi làng bên sông Hoạt, nhớ cả bóng dáng thuộc quen của ngôi làng hiện tại bên sông Sài Gòn vẹn nguyên trái cây trĩu cành, nước sông buồn màu mận chín. Sông Sài Gòn đón cô đến trong cái vừa lạ vừa quen của ngôi làng ven sông miền Nam. Bước chân như ở đất quê lối cũ, đôi tay tuổi trẻ bắt đầu dệt lại ước mơ: Này thì dãy tố nữ sai nghiêng, này thì những làn măng trĩu tím, dâu vàng, chuối thơm. Sao hôm nay trong những câu chuyện các con cô kể, Lái Thiêu xa lạ dỗi hờn quá. Xóm cũ vẫn còn đây nhưng lạ lẫm hơn, bóng cây cỗi cằn mùa vụ, mảnh vườn cô như đi qua tháng năm với những nhọc nhằn, đi để ngày xanh, đi để hạ vàng, đi để nuôi nấng dằng dặc những ưu tư… về một vườn trái cây sợ dần xa ngay cả trong ký ức.
Trong cô, hai xóm làng Nam Bắc của mình vẫn nghĩa tình trước sau như thế. Ngoài Bắc, làng cô vẫn yên bình như thế, sông Hoạt vẫn ngàu ngàu mùa nước lũ, lớp trẻ vẫn hiện đại, cơ giới ầm vang trên những cánh đồng nhưng những tuổi già như cô vẫn còn bến nước, sân đình, rặng tre để kể chuyện và nghe chiếc radio bé tẹo bằng bàn tay xách theo. Làng trong cô thủy chung và đong đầy đến vậy. Cái mới về nhưng ký ức, hoài niệm lối mòn không mất đi, vẫn còn những con đường thênh thang, những khoảng trời riêng cho người thương làng như cô hàn huyên ngẫm nghĩ. Cánh đồng vẫn xanh mướt mát để mỗi vụ mùa được đi giữa mùa rơm, nghe bọn trẻ vò lúa hát những bài nhạc xập xình, nhưng khoảng trời vẫn đủ để những người già nhớ về cánh đồng mãi xanh. Làng thanh bình giúp cô giữ lại nhiều kỷ niệm buồn vui, thiêng liêng.
Trong những giấc mơ già nua xa xa, giấc chợp mắt trưa bên tiếng radio nhỏ xinh, cô vẫn chợt thấy chàng trai tuổi đôi mươi, chạy ùa về làng gặp vội người yêu trên mảnh vườn măng trĩu cành ven sông Sài Gòn: Mãi sau này mình cùng nhau bên những mảnh vườn trĩu ngọt; chợt nhớ đến nao lòng Lái Thiêu trĩu ngọt hoa trái mỗi mùa xuân sang!
Bình luận (0)