Theo đó, tại 2 hố khai quật rộng 7.000 m2 (hố phía đông rộng 3.000 m2, hố phía tây rộng khoảng 4.000 m2), các nhà khảo cổ học đã phát hiện và làm rõ kết cấu của hào thành - là công trình bao bọc toàn bộ kinh thành phía trong.
Cụ thể, hào thành phía đông và tây có kết cấu tương đối giống nhau, gồm các lớp từ trên xuống dưới, gồm: lớp mặt là lớp đất canh tác lúa màu hiện nay, tính chất đất mềm, dạng bùn nhão màu nâu, có độ sâu từ 20 - 30 cm; lớp đất sét màu vàng nhạt có độ sâu từ 30 - 250 cm; lớp đất sét xanh; lớp lắng đọng và lớp đất sinh thổ. Phần lòng hào thành cả hai phía đông - tây có chiều rộng từ 50 - 55 m; sâu từ 6,8 - 7,25 m. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhận định hào thành của Thành nhà Hồ có chiều dài khoảng 4 km, bao bọc toàn bộ kinh thành phía trong.
Quá trình khai quật hào thành cũng phát hiện nhiều hiện vật: gạch hình chữ nhật, ngói đỏ, đồ sành, đồ sứ... có niên đại khoảng từ thời Lý kéo dài đến thời Trần, Hồ, Lê sơ, Lê trung hưng, Nguyễn. Ông Nguyễn Bá Linh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết hào thành được gia cố cẩn thận bằng nhiều lớp đất đá dăm, đất sét, có khả năng chống chọi thiên tai và biến động của thời gian. Việc định hình được cấu trúc hào thành là phát hiện quan trọng, góp phần xác định rõ hơn về quy mô, giá trị, kiến trúc và vị trí của hào thành. Từ đó, có thể tìm ra phương án khôi phục hào thành, góp phần phát huy giá trị di sản thế giới Thành nhà Hồ trong tương lai.
Bình luận (0)