Nhiều áp lực
Nhân viên môi giới chứng khoán là người trung gian trong việc thực hiện các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư (khách hàng). Công việc chính hằng ngày của một môi giới là nhận lệnh từ những khách hàng của họ bằng nhiều hình thức: tại sàn giao dịch, qua điện thoại, fax, e-mail, internet, SMS... chuyển vào các sở giao dịch chứng khoán hoặc chuyển cho bộ phận giao dịch (backoffice) để thực hiện, thông báo cho khách hàng biết bằng văn bản, điện thoại, e-mail, SMS khi có kết quả.
Hiện nhiều công ty chứng khoán áp dụng hình thức khoán doanh số cho các broker. Vì vậy, ngoài công việc chính, người môi giới còn có trách nhiệm chăm sóc khách hàng của mình bằng các dịch vụ gia tăng như tìm kiếm và cung cấp thông tin về các cổ phiếu đang nằm trong danh mục của khách hàng hoặc những cổ phiếu tiềm năng. Ngoài ra, bằng kiến thức, khả năng bản thân, họ phân tích, nhận định về các thông tin đó để đưa ra những ý kiến tư vấn cho khách hàng để chuẩn bị, quyết định chiến lược đầu tư. Môi giới cũng có thể là người quản lý và đánh giá danh mục đầu tư để đưa ra các khuyến nghị trong quá trình đầu tư. Ngoài ra, môi giới còn hỗ trợ khách hàng thông qua các dịch vụ gia tăng khác như giao dịch cổ phiếu OTC, đấu giá mua cổ phần, cầm cố, repo, ứng trước tiền bán…
Có thể nói, một ngày làm việc của các broker luôn bận rộn dưới nhiều áp lực. Nếu cả buổi sáng họ phải đảm nhiệm thực hiện việc giao dịch chứng khoán cho khách hàng, thì buổi chiều phải dành thời gian để cập nhật thông tin chứng khoán mua bán và thông báo cho khách hàng biết. Áp lực lớn nhất của một người môi giới chính là từ sự thay đổi nhanh chóng, liên tục của thị trường do tác động của rất nhiều yếu tố, buộc họ phải phán đoán nhanh và quyết đoán.
Đòi hỏi cao
Một môi giới giỏi cần phải có chuyên môn vững vàng về ngành tài chính, ngân hàng để có thể phân tích các báo cáo tài chính, định giá cổ phiếu tư vấn cho khách hàng. Phải trải qua các lớp đào tạo chuyên sâu về chứng khoán để nắm vững các quy định, nguyên tắc vận hành của thị trường, hiểu và sử dụng các mô hình phân tích kỹ thuật để nhận định diễn biến và xu hướng của thị trường. Phải có ít nhất 1 năm chính thức làm môi giới tại 1 trong 20 công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường để đảm bảo tích lũy đủ các quy trình, nghiệp vụ, dịch vụ gia tăng, tiếp xúc và chăm sóc một lượng khách hàng nhất định, đủ các dạng...
Sự khác biệt giữa các broker chính là các kỹ năng hỗ trợ: sự nhạy bén cần thiết để phản ứng kịp thời với tính thay đổi liên tục của thị trường, khả năng giao tiếp tốt (đặc biệt ưu tiên cho môi giới giao tiếp tốt một ngoại ngữ thông dụng) để tiếp xúc và chăm sóc khách hàng, tính nhanh nhạy nhưng đồng thời phải cẩn trọng trong tác nghiệp, khả năng chịu đựng áp lực và cường độ làm việc cao.
Thu nhập không hạn chế
Tùy thuộc vào chiến lược và chính sách trong kinh doanh của từng công ty chứng khoán, về cơ bản, thu nhập chính của broker thường dựa vào 3 nguồn chính: lương cố định (lương cứng) theo quy chế; phần lương hiệu quả (lương mềm) do công ty chứng khoán kinh doanh có lãi và chia thưởng, hoặc thu nhập từ hoa hồng trên phần vượt doanh thu khoán trong một thời điểm nhất định; phần lãi từ việc tự đầu tư chứng khoán của người môi giới (phần này mới mang lại nguồn thu nhập lớn).
Học gì để theo nghề?
Những người theo học ngành kinh tế (đặc biệt là chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán) đều có thể trở thành người môi giới nếu đáp ứng thêm các điều kiện riêng của từng công ty chứng khoán trong quá trình tuyển dụng.
Đối với nghề môi giới, cái dễ chính là sự dễ dàng tìm hiểu, học hỏi, tiếp cận để gia nhập vào nghề. Nhưng, cũng vì vậy nên tính cạnh tranh rất cao và khó nhất là làm thế nào để có được một lượng ổn định khách hàng (đặc biệt là khách hàng lớn) luôn tin tưởng và hài lòng với người môi giới. Cho nên, ngoài sự hỗ trợ của công ty chứng khoán mà môi giới đang làm việc, bản thân họ phải luôn nỗ lực bằng chính năng lực, kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết để tạo lợi thế cạnh tranh.
Lan Anh
Bình luận (0)