Harvard của riêng mình

11/03/2019 14:08 GMT+7

Tôi tham gia một buổi nói chuyện của cựu sinh viên Trường ĐH Harvard với các bạn trẻ TP.HCM. Những sinh viên xuất sắc ấy đã học như thế nào, thành công ra sao là những điều nhiều người quan tâm.

Không ít người trẻ đặt câu hỏi “vậy làm cách nào để tôi có thể trở thành sinh viên ĐH Harvard, ngôi trường của những giấc mơ này”. Tôi chờ đợi câu trả lời của những diễn giả, có thể họ sẽ tư vấn nên học ngoại ngữ thế này, viết CV thế kia, săn học bổng thế khác... Thật bất ngờ, tôi vẫn nhớ đó là câu trả lời của anh Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch McDonald’s Việt Nam và Saigon Heat, cử nhân Harvard 1995. Anh nói, một trường ĐH tốt là nơi có thể đào tạo mỗi công dân thành người tử tế, có thể làm được điều có ích cho gia đình, đất nước, làm ra những điều ý nghĩa, có giá trị… Như vậy, không phải cứ đến Harvard bạn mới có thể thành công, cũng như không phải chỉ có Harvard mới có thể giúp bạn trở thành một người có giá trị.
Những buổi tham gia tư vấn tuyển sinh cho học sinh các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng… chúng tôi nhận được không ít những câu hỏi của các em học sinh, học ngành nào dễ xin được việc làm; học nghề này sau có lương cao không? Đó là những nguyện vọng chân chính. Nhưng, tôi cũng nghe được những lời khuyên của những người đi trước, họ đã tìm thấy đam mê của chính mình và hạnh phúc khi đang bước trên con đường mình đã chọn. Không phải vì đầu tiên, quan tâm đến ngành này có được nhiều tiền không, mà bởi họ thích và yêu nó.
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng, giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM nói trong một diễn đàn mới đây với sinh viên, mỗi bạn trẻ, nên lắng nghe tiếng nói bên trong nội tâm của chính mình, chỉ có mình mới hiểu được đam mê của chính mình là gì. Còn Chủ tịch, CEO của VNG Lê Hồng Minh, trong một talkshow tại ĐH Fulbright Việt Nam, anh cho rằng người trẻ, từ 20-30 tuổi hãy thử thật nhiều, dù sai lầm thì cũng cho mình những bài học, kinh nghiệm quý. Nó sẽ cho bạn biết, thế mạnh của bạn là gì và mục tiêu nào bạn cần hướng tới để trở thành một người hạnh phúc trong cả công việc và cuộc sống.
Thời tôi học phổ thông, bạn bè cùng trang lứa với tôi ai ai cũng ao ước trở thành sinh viên ngoại thương, ít ra là kinh tế, ngoại giao. Nhiều ông bố bà mẹ khác thì chỉ thích con trở thành sinh viên trường sư phạm hoặc công an. Những cái khuôn mẫu được vẽ ra cho mọi cô gái là “học sư phạm đi con, dễ lấy chồng, có thời gian chăm sóc chồng và nuôi dạy con”. Cho đến tận bây giờ, 12 năm sau, "cái khuôn" này vẫn chưa thấy bị vỡ trong mắt của nhiều bậc làm cha mẹ. Công việc là những thứ sẽ gắn bó với chúng ta suốt một cuộc đời. Không gì tuyệt vời bằng việc được làm những gì mình yêu thích, mỗi ngày, và chắc chắn, khi mọi thứ có thể phản bội bạn, công việc mà bạn yêu và dành hết tâm huyết cho nó, nó không thể nào quay lưng lại. “Đi theo tiếng gọi của con tim”, những từ ngữ có vẻ rất sến này vẫn đúng, khi bạn đang chọn lựa một ngành học, công việc mình sẽ theo đuổi.
Tôi nhớ đến những năm tháng tuổi thơ của mình trong một ngôi trường nhỏ trên một khu đồi cao, xung quanh trồng toàn bạch đàn. Mỗi lần đến trường, chúng tôi sẽ khoác những chiếc cặp đầy sách đi bộ theo những triền dốc đầy cỏ dại, và mùa mưa sẽ có những con suối nhỏ len lỏi giữa những hốc đá. Chúng tôi hồn nhiên học, khao khát học, không quan tâm những gì người ta nói, quê tôi là tỉnh lẻ, trường của tôi chỉ là trường làng. Nhiều năm sau gặp lại, những bạn bè thuở ấy của tôi rất nhiều người thành đạt, người khởi nghiệp với công ty riêng, đứa bác sĩ, đứa mở nhà hàng ăn uống. Bạn bè chúng tôi, chưa ai đậu Harvard hay những trường đại học hàng đầu thế giới, ở Pháp, Mỹ hay Phần Lan, những nền giáo dục được ao ước toàn cầu, nhưng mọi người vẫn rất hạnh phúc, với những gì họ học được và làm được.
Harvard ở trong trái tim của mỗi người, ai cũng sẽ có một Harvard của riêng mình, tùy cách bạn chọn lựa cái mà bạn học và theo đuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.