Hát bội: Có còn rộn rã mái đình xưa...

04/01/2007 15:02 GMT+7

Quá khứ đã xa thật là xa... Bây giờ, hát bội có còn về với mái đình làng cũ? Bây giờ hát bội có còn làm rung động những trái tim non? Hay là hát bội giờ thổn thức giữa nhịp đời sôi động?

Tuổi thơ tôi trôi qua ở một vùng quê nghèo, có mái đình phủ rêu xanh nằm bên bờ sông lộng gió. Hàng cây ô môi tỏa bóng mát khắp sân đình và nghiêng nghiêng soi xuống dòng sông, cứ mỗi độ mùa về lại nở hoa hồng thắm một khoảng trời. Rồi đến mùa chầu, tiếng trống tưng bừng làng trên ngõ dưới, lũ trẻ chúng tôi chạy băng băng qua mấy cây cầu dừa để chen vào xem hát bội. Chao ôi là mũ mão, phấn son, chao ôi là gươm giáo rợp trời, cờ xí đỏ xanh, rộn ràng đánh thức cả làng quê. Những ngày hội vui đến lạ lùng, để rồi mỗi năm cứ ngong ngóng mùa chầu, nhớ thương hát bội, tiêng tiếc nhìn ghe bầu chở đào kép đi khuất bóng...

Quá khứ đã xa thật là xa... Bây giờ, hát bội có còn về với mái đình làng cũ? Bây giờ hát bội có còn làm rung động những trái tim non? Hay là hát bội giờ thổn thức giữa nhịp đời sôi động?

Đi tìm khán giả

Ngày xưa, hát bội đã có sẵn một lượng khán giả khổng lồ ở khắp các làng quê, và cả thành phố, vì nơi đâu có đình là có hát bội, quanh năm không sợ ế. Nhưng sau 1975, tất cả im ắng xuống. Gần 10 năm nay, khi các lễ hội được phục hồi thì hát bội mới sống dậy mạnh mẽ. Bây giờ dân miền Nam có đến hai mùa chầu trong năm, chứ không thèm một mùa nữa, đó là thượng ngươn vào tháng 2, tháng 3, và hạ ngươn vào tháng 10, 11 âm lịch, nên các đoàn tha hồ chạy sô.

Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM là đơn vị chính quy nhất của khu vực phía Nam, phải chia thành 2 hoặc 3 ê-kíp mới đảm nhiệm nổi các hợp đồng, dù đã bỏ bớt rất nhiều nơi, bị các địa phương "giận lên giận xuống". Số còn lại thì những "bầu gom" thầu hết. Họ gom diễn viên từ khắp nơi về chia sô ra hát, có khi ngày cả chục suất, bởi cứ hát cương là xong, vài người cũng thành "một tuồng". Nghĩa là, hát bội miền Nam lại trở về với tổ ấm của nó là mái đình làng quê, hòa mình vào văn hóa cộng đồng, vào sinh hoạt dân gian bao đời.


Vở Lửa thiêng cách tân được khán giả chấp nhận

Nhà hát tuồng Đào Tấn, Quy Nhơn, cũng có mùa cúng cầu ngư kéo dài 4 tháng trời xôm tụ. Hết mùa, lại được các địa phương hợp đồng hát lẻ, vì đất Bình Định vốn là cái nôi của tuồng. Trong khi đó, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng lại phát triển thành một bộ mặt sang trọng hơn với rạp ngay giữa trung tâm thành phố và đang cố gắng thu hút khách du lịch. Ông Trần Đình Sanh, Giám đốc nhà hát, cho biết: "Chúng tôi bán vé mỗi tuần 3 suất đều đặn vì ở đây không có mùa chầu, chỉ 3 năm đáo lệ cúng cầu ngư và cầu bông ở một số vùng mới đi lưu diễn mà thôi. Vé bán chỉ 10-20.000đ, nhưng khán giả hay thưởng cho nghệ sĩ lắm, có khi cả trăm ngàn".

Nói vậy, nhưng thật ra các đơn vị đều nỗ lực đi tìm khán giả, bởi "không phát triển vào giới trẻ thì hát bội sẽ chết", ông Sanh nói. Nhà hát nào cũng có chương trình sân khấu học đường, đem hát bội vào trường học cho các em vừa xem vừa được giao lưu nắm rõ kiến thức. Lớp trẻ tiếp nhận khá sôi nổi.

NSƯT Ngọc Nga, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM kể: "Nhiều em lên sân khấu múa luôn với nghệ sĩ, hay lắm. Nếu nhà trường đăng ký thường xuyên thì các em sẽ có nhiều cơ hội thẩm thấu, mới yêu mến hát bội". Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng hẳn một chương trình trên truyền hình với từng đoạn 15-20 phút giới thiệu về hát bội, xem ra rất chính quy, có thể lưu giữ và quảng bá rộng rãi.

Nâng cấp diễn viên

"Trồng trầu trồng lộn dây tiêu - Con theo hát bội mẹ liều con hư". Câu ru xưa đã vậy, huống gì ngày nay xã hội phát triển lớp trẻ thiếu gì nghề, liệu có ai dũng cảm đi theo hát bội?

Chục năm trước, tôi nao lòng khi thấy trên sân khấu hát bội TP.HCM hình như đào kép không còn xuân sắc nữa, và cứ lo cho tương lai... Nhưng 5, 6 năm gần đây, chợt ngạc nhiên khi thấy có mấy cô đẹp quá, trẻ quá, làm sáng bừng sân khấu. Hỏi ra, đó là lứa diễn viên mới đào tạo năm 2000. Bây giờ có gần 20 em đang đóng thay tất cả các vai của đàn anh đàn chị. Một số em đã tốt nghiệp khoa Cải lương Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM như Thanh Bình, Kiều My... lại chuyển sang hát bội.

Thanh Bình cười: "Thì em thấy hát bội cũng hay, qua học rồi mê luôn". NSƯT Ngọc Dung nói: "Các em đã có căn bản rồi nên học thêm nhanh lắm. Lứa chúng tôi lo đào tạo các em để có đội ngũ kế thừa, mừng vì có người thay mình sau này". Những người "thầy" như Ngọc Dung, Kim Thanh, Xuân Quang, Hữu Danh đào tạo theo cách truyền nghề trực tiếp, dựng những vai mẫu, vai kinh điển cho các em học nhanh, có thể thời gian ngắn là đi diễn ngay. Đồng nghĩa với chấp nhận nhường vai hết cho các em. Còn NSƯT Ngọc Nga, Xuân Quang, Hữu Danh thì đi học đạo diễn để có kiến thức vững vàng sau này dàn dựng, không còn mò mẫm theo người xưa một cách cảm tính nữa.

Nhiều diễn viên trẻ phải học bổ túc văn hóa, học lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Nghĩa là, đào tạo một thế hệ nghệ sĩ có trình độ cao, chứ không phải đào kép như trong lời ru xưa làm nhiều phụ huynh lo lắng.

Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Đào Tấn cũng mới nhận hơn 10 bạn trẻ tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp sân khấu khoa tuồng, cũng là "nâng cấp" nghệ sĩ hát bội trong thời đại ngày nay.

Đời sống kinh tế cũng có "nâng cấp" so với ngày trước. Bà Trần Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn nói: "Diễn viên chúng tôi sống được bằng nghề, tương đối ổn định". Nghệ sĩ hát bội TP.HCM trung bình hưởng 1,8 triệu đồng mỗi tháng, dù chưa cao so với nhiều nghề khác nhưng không đến nỗi quá lo lắng như xưa.

Cách tân thì mới sống còn?


NSƯT Ngọc Dung và Thanh Trang

NS Ngọc Nga kể: "Nhiều đình yêu cầu chúng tôi hát toàn tuồng xưa của lịch sử Trung Quốc như Lưu Kim Đính, Trảm Trịnh n, San Hậu... và kéo dài 4 tới 6 hoặc 8 tiếng đồng hồ. Trong khi thời lượng diễn tại rạp thành phố thì chỉ 2 tiếng, còn thu truyền hình còn có 1 tiếng rưỡi. Chúng tôi thuyết phục địa phương rất mệt. Và mời họ thử xem các tuồng lịch sử Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Trần Cao Vân, Nguyễn Huệ... Bước đầu khó khăn, nhưng một số nơi quen rồi thì năm sau lại tự yêu cầu. Thậm chí hát tuồng mặc đồ tây như Người cáo họ cũng chịu luôn".

Quả thật, hát bội đang tìm tòi những lối ra khá là táo bạo, như những thử nghiệm để sống còn và hòa nhập với thời đại mới. Ngay cả kịch bản cũng bớt tiếng Hán, bớt ứ ư, mà sử dụng tiếng Việt dễ hiểu, lớp trẻ không ngán.

Hát bội là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, rất cần được Nhà nước đầu tư để bảo tồn. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn năng động tìm ra những cách thức phát triển, đặc biệt cần chú ý đến sự liên kết với các công ty du lịch để quảng bá rộng rãi. Hình như chưa đơn vị nào quan tâm đến mặt này. Và hình như các phương tiện thông tin cũng chưa dành cho hát bội một sự ưu ái tương xứng. Có khi mất mát rồi chúng ta mới tiếc hay chăng? 

NSND Đinh Bằng Phi: "Cầu" không có thì "cung" cho ai !

NSND Đinh Bằng Phi (ảnh) là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực sân khấu tuồng. Ông vừa trở về TP.HCM sau một tuần làm giám khảo trong Liên hoan Sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc lần 2-2006 vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định) và Thanh Niên đã có cuộc trao đổi cùng ông.

* Trong các loại hình nghệ thuật thì sân khấu tuồng có vị trí như thế nào?

- Có thể nói, tuồng là loại hình nghệ thuật lâu đời nhất ở nước ta với lịch sử hàng mấy trăm năm hình thành và có mặt ở cả 3 miền đất nước. Đây là một trong những niềm tự hào của dân tộc chúng ta, bởi thế tuồng đang được Nhà nước khuyến khích bảo tồn và phát huy.

Ở các thành phố lớn và một số tỉnh đều có nhà hát hoặc các đoàn tuồng chuyên nghiệp do Nhà nước thành lập và bảo trợ. Từ Bắc chí Nam có một số nhà hát được hình thành theo quy chế bao cấp như Nhà hát tuồng T.Ư (Hà Nội), Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát tuồng Đào Tấn (Quy Nhơn), Nhà hát tuồng Phú Khánh (Nha Trang) và Nhà hát Nghệ thuật hát bội (TP.HCM)... Những nhà hát này được tổ chức rất quy củ, mỗi thành viên đều là những công chức được đào tạo bài bản, rèn luyện và dàn tập công phu để phục vụ khán giả. Tuy nhiên, không như các bộ môn sân khấu truyền thống khác, tuồng rất kén khán giả - nhất là khán giả trẻ cho nên các nhà hát cũng khó tìm lại thời hoàng kim của mình như trước đây.

* Làm sao để có một đội ngũ diễn viên tuồng kế thừa?

 - Khó lắm ! Hầu hết các diễn viên tuồng đều được đào tạo theo kiểu kế thừa truyền thống gia đình (con theo nghề của cha mẹ là diễn viên tuồng). Cũng có một số diễn viên từ các ngành nghề sân khấu khác (cải lương, chèo...) chuyển qua nghệ thuật tuồng.

Tuồng là bộ môn nghệ thuật rất khó chiêu sinh, khó học, khó diễn và khó... kiếm tiền, cho nên những người muốn theo nghề sân khấu thường né tránh tuồng mà chọn những lĩnh vực khác. Đó là lý do sân khấu tuồng đang có hiện tượng đi xuống. Riêng với lớp trẻ thì hầu như họ quay lưng với sân khấu tuồng. Đó là điều rất đáng báo động vì "cầu" không có thì "cung" cho ai!

Hà Đình Nguyên  (thực hiện)

Hoàng Kim 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.