Hát 'Chiều biên giới em ơi' trên trạm chốt biên phòng

17/12/2013 19:30 GMT+7

(TNO) Mã Lủng Kha là thôn giáp biên của xã Má Lé (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), sát sạt đất Trung Quốc với đường kẻ phân chia "núi liền núi" gần 5km.

(TNO) Mã Lủng Kha là thôn giáp biên của xã Má Lé (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), sát sạt đất Trung Quốc với đường kẻ phân chia "núi liền núi" gần 5km.

cột mốc
Một chiều biên giới - Ảnh: Mai Thanh Hải

Cả thôn chỉ có vài chục nóc nhà người Mông, lấm tấm trải từ đỉnh Mã Lủng Kha xuống con đường  dẫn ra lối mở, ấy thế nhưng cũng phải có một trạm chốt Biên phòng đứng chân.

Theo sổ sách giấy tờ, thì cái nhà xây cấp 4 duy nhất ở Mã Lủng Kha, nằm loi choi giữa đá xám, cây dại được gọi là Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Lũng Cú. Trạm này trấn giữ cái con đường cheo leo vòng vèo, một bên là vực sâu hút, bên là núi đá dựng đứng, lổn nhổn đá lăn từ trên núi xuống (có khi bằng cả con bò). Đường chạy từ trung tâm xã Ma Lé ra nơi tiếp giáp với Trung Quốc, gần cột mốc 413.

Trạm Kiểm soát Lũng Cú này tuy không có biển hiệu treo trước cổng, nhưng lại có con dấu đàng hoàng, mỗi tháng đóng lộp cộp... gần chục lần, cho người dân hai bên xuất - nhập sang nhau với mục đích... đi chợ, đám cưới, tìm trâu bò (khác với Trạm dưới chân Cột cờ Lũng Cú, có biển treo hoành tráng trước cổng nhưng lại chả có dấu má, do là... Tổ Công tác).

Trạm được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng "cấp phép", hình như với mục đích "đi tắt đón đầu" sự phát triển của hai quốc gia, trong tương lai.

Kể vài nét sơ qua để thấy: Gọi là Trạm Kiểm soát Cửa khẩu cho oách, chứ thực ra anh em trong Đồn 169 (Đồn Biên phòng Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang), bao năm nay quen gọi cái nơi xa xăm này là Trạm Mã Lủng Kha.

Trạm Mã Lủng Kha nằm xa tít tắp. Ngày nắng còn đi xe máy vào được. Ngày mưa chỉ có nước chống gậy, đi bộ và từ xã Má Lé vào đến Trạm, có khi mất nửa ngày. Nằm tít tắp nên cái gì cũng phải tự cung tự cấp.

Ngoài giờ công tác, mấy anh em trong Trạm lụi hụi trồng rau, nuôi gà, chăm lợn, tưới ngô để lấy cái mà ăn uống - sinh sống hằng ngày (nói cho oách là "Hậu cần tại chỗ").

Tối đến, mấy mống đàn ông xa vợ con cả năm, nhếu nháo chế độ cuối ngày, nghe chán chim kêu vượn hú, cắt cử gác xách - trực ban rồi cũng đành dán mắt vào cái tivi 14 inch do Đồn thanh lý, được sản xuất cách đây cả chục năm, tiếng câm tiếng tịt và nhiễu sóng loạn xạ, xem phim VTV3 cứ như xem "Một triệu con ruồi", lấy đó làm thú giải trí duy nhất... 

Chiều nay, ở với anh em Trạm Mã Lủng Kha, trầy trật mãi mới vào được Facebook và lặng người, muốn khóc khi biết tin Nhà thơ Lò Ngân Sủng mới mất.

Nghẹn ngào báo tin với mấy anh em trong Trạm Mã Lủng Kha, từ Thiếu tá Trạm trưởng cho đến cậu chiến sĩ mới nhập ngũ, tất cả đều lặng người, nhìn lên vơ vẩn mây trắng bay ngang qua vòm đào rừng bắt đầu chúm chím nở, đợi một mùa xuân mới, nhưng cứ lửng lơ - dùng dằng bên cột mốc như chờ, như đợi, như níu kéo xa xôi…

Bộ đội Biên phòng kể: Dẫu xa xôi, dẫu vất vả, dẫu thiếu thốn và khó khăn đến cùng cực, nhưng vẫn nương theo những câu hát về biên cương - biên giới, để sống, để cống hiến và để tự hào trên từng dải đất biên cương, rồi truyền lại mỗi lời ca - âm hưởng đó, đến người thân đang đau đáu chờ đợi.

Và trên địa đầu biên giới, chúng tôi cứ ngẩn ngơ tưởng tượng câu hát trong lời thơ Lò Ngân Sủn, vang vọng trên núi đá, lăn dài trên nương ngô, ruộng cải, quấn quýt đọng trên lá cây và đọng lại, nghiêm trang trên đỉnh cột mốc:

"Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương
Em ơi có nơi nào hơn chiều biên giới khi mùa hoa đào nở,
khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây mù tỏa ngát hương bay
Chiều biên giới em ơi!
Nhớ bao điều thân thương
Đôi ta cùng chiến hào, tình yêu đẹp tiếng hát giữa đất trời quê ta"...

Vĩnh biệt ông Nhà thơ Lò Ngân Sủn - Nhà thơ của biên giới, Biên phòng.

Mai Thanh Hải
(Viết từ địa đầu Lũng Cú)

>> Đường lên cột mốc 64
>> Dựng cột mốc Trường Sa trong cơ sở sản xuất
>> Lên cột mốc biên giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.