"Thở dốc lên cột mốc"
Trong hành trình "Sinh viên với khát vọng non sông" do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các đại biểu sinh viên đã đến cột mốc A Pa Chải, điểm cực tây của Tổ quốc và hát Quốc ca tại đây.
Cột mốc A Pa Chải là nơi tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên đỉnh núi Khoan La San (thuộc xã Sín Thầu, H.Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) ở độ cao hơn 1.866 m so với mực nước biển. Nơi đây được ví von là "3 nước nghe chung tiếng gà gáy sáng".
Hành trình đến cột mốc không ít khó khăn, bởi đường đi rất cheo leo. Chúng tôi phải vượt qua khoảng 7 km gập ghềnh sỏi đá để tiếp cận con đường lên đỉnh núi. Nhưng quãng đường khó khăn nhất là gần 4 km cuối khi phải trải qua hành trình cheo leo giữa đất trời, với những con dốc dựng đứng, chỉ rộng chừng 1 m.
Hết cung đường này lại đến thử thách khác là hành trình 570 bậc thang để leo lên cột mốc. Dù đã được chuẩn bị trước, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn choáng ngợp với cung đường này. "Thở dốc lên cột mốc" là trạng thái của hầu hết đại biểu. Thế nhưng, dường như ai cũng hào hứng bởi phía trước là cột mốc số 0, đánh dấu điểm cực tây của Tổ quốc.
Dù rất mệt, nhưng đặt chân lên đến đây các bạn trẻ đã "cất tiếng hát bay cao trời mây" trong Bài ca sinh viên. Một khí thế tràn đầy sức trẻ đã lôi cuốn những người còn lại đang cố gắng leo lên. Và rồi hầu hết các đại biểu đã hội tụ trên cột mốc ý nghĩa này, thực hiện nghi lễ chào cờ với tiếng Quốc ca vang vọng cả núi rừng Tây bắc.
Tại đây, đoàn đại biểu đã được nghe giới thiệu về cột mốc và hành trình gian nan của bộ đội biên phòng trong tuần tra, bảo vệ biên giới.
Thêm yêu đất nước
Được tham gia hành trình và chứng kiến những giây phút hào hùng trên cột mốc biên cương, Á hậu Hoàn vũ năm 2022 Huỳnh Phạm Thủy Tiên chia sẻ: "Lúc hát Quốc ca mình đã gai người vì khoảnh khắc đó rất hào hùng. Mình nghĩ rằng mỗi người trẻ đều có thể hướng về đất nước để cống hiến sức trẻ của mình, dù nhỏ hay lớn".
Trần Song Đàn, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, cũng chia sẻ: "Đặt chân đến đây, mình thấy rất vinh dự và tự hào khi đặt tay lên ngực của mình để hát Quốc ca. Mình càng thấy yêu đất nước và thấy được vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ với khát vọng của dân tộc, của non sông".
Từ miền Nam đến với Tây Bắc, Huỳnh Kim Liên, sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) không khỏi xúc động nghẹn ngào khi cất lên tiếng Quốc ca ở miền núi rừng này. Liên cho biết đã rất tự hào khi được chọn làm đại biểu cho chương trình "Khát vọng non sông" chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
"Chinh phục điểm cực tây của Tổ quốc đã mang lại cho mình rất nhiều cảm xúc. Lần đầu tiên mình tự thách thức bản thân khi đi bộ một quãng đường dài đến như vậy. Lần đầu tiên mình thách thức bản thân khi có thể leo được nhiều bậc thang đến như vậy. Và cũng là lần đầu tiên, mình được ngắm khung cảnh nên thơ, tuyệt vời, hùng vĩ đến như vậy", Liên chia sẻ.
Nữ sinh viên cho hay, bản thân rất xúc động khi được tìm hiểu về cuộc sống, sự cống hiến, hy sinh của những người lính nơi biên cương Tổ quốc và thấy rằng mình và nhiều bạn trẻ đã được sống một cuộc sống quá đầy đủ, mà đôi khi quên rằng có những người đã hy sinh thầm lặng để bảo vệ cuộc sống bình yên của chúng ta.
"Tôi mong muốn qua hành trình này, các bạn sinh viên sẽ nuôi dưỡng cho mình một tinh thần, truyền thống tiếp bước cha anh, tiếp bước những người hy sinh thầm lặng, để mỗi bạn cố gắng học tập và dựng xây Tổ quốc", Liên bày tỏ.
Từ ngày 24 - 27.4, chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, cùng 70 đại biểu sinh viên đã tham gia hành trình "Sinh viên với khát vọng non sông".
Đoàn đại biểu đã đến tỉnh Điện Biên thực hiện nhiều công việc ý nghĩa như: trao quà tri ân các gia đình có công, tham quan các di tích lịch sử... Trong đó, đoàn đại biểu đã lên cột mốc A Pa Chải thực hiện nghi thức chào cờ tại địa điểm thiêng liêng này.
Bình luận (0)