Mới đây, nhiều khán giả bức xúc khi trong chương trình Sao tháng Tám chào mừng ngày Quốc khánh phát trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Hà Nội, nữ ca sĩ trẻ Khánh Thy đã không thể hát đúng nhịp, đúng tông ca khúc Mười chín tháng Tám. Cô liên tục bị hụt hơi, lạc tông, chệch nhịp so với dàn nhạc. Thậm chí, nữ ca sĩ này còn không thuộc lời ca khúc nổi tiếng mà phải nhìn lời ca khúc được viết trong lòng bàn tay. Trên trang mạng cá nhân, Khánh Thy đã lên tiếng xin lỗi về màn biểu diễn thiếu chuyên nghiệp của mình.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí thấy bị coi thường, khi một chương trình lớn được phát trên sóng truyền hình để “lọt” phần trình diễn “thảm họa” như vậy.
Phần biểu diễn của ca sĩ Khánh Thy trong chương trình Sao tháng Tám bị nhiều khán giả chỉ trích |
Chụp màn hình |
Bản thu và hát sống “khác một trời một vực”
Cách đây vài năm, trong chương trình Bữa trưa vui vẻ (phát trực tiếp trên kênh VTV6), khán giả cũng từng phải “chịu trận” phần phô diễn giọng hát thật của Chi Pu.
Thể hiện ca khúc Cho ta gần hơn, nữ ca sĩ nhiều lần hát lệch tông, không thể lên nổi nốt cao.
Vào thời điểm đó, mặc dù không nhắc thẳng tên Chi Pu, nhưng ca sĩ Văn Mai Hương đã ám chỉ đến phần biểu diễn này và cho rằng “như một trò đùa”.
Tôi nghĩ, tự mỗi cá nhân luôn biết mình thiếu hụt những gì để bồi đắp. Thế nên, đường dài mới biết ngựa hay, mới biết khả năng, thực lực về chuyên môn.
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng từng bị phản ứng vì hát “live” với kỹ thuật kém trong chương trình Music Home 2 năm trước, được phát trực tiếp trên kênh FPT. Thể hiện lại ca khúc Cho nhau lối đi riêng, cô nhiều lần bị hụt hơi, không theo kịp tiết tấu của ban nhạc. Bên cạnh đó, ở nhiều phần biểu diễn của chương trình này, Hoàng Thùy Linh cũng lộ rõ điểm yếu: không biết lấy hơi khi hát.
Cô phải lấy hơi từng câu hát và lộ rõ tiếng lấy hơi “hổn hển” của mình trong micro.
Đưa ra những bản thu âm nuột nà, nhưng khi hát sống, nhiều ca sĩ đã không thể giấu được điểm yếu của họ.
Không ít lần khán giả phải giật mình khi nhiều ca sĩ thể hiện chính “hit” của mình trên sân khấu.
Cách đây 2 năm, K-ICM và APJ trình diễn “live” ca khúc Ai mang cô đơn đi được nhiều khán giả trẻ yêu thích. Nhưng trái với sự đón nhận bản thu âm, người nghe phát hoảng trước màn biểu diễn “thảm họa” này và thấy hoang mang trước sự khác biệt “một trời một vực” giữa bản thu âm và bản “live”. Cũng từ thực tế này mà không ít ca sĩ đã chọn cách “sống” bằng hát “nhép”…
Ca sĩ cần biết hát “live”
Giải Sao Mai do Đài truyền hình VN tổ chức dành cho những tài năng ca hát đang bước vào vòng chung kết. Nói về “sự cố” ca sĩ hát chênh phô, không thuộc lời trong chương trình lớn được truyền hình trực tiếp vừa qua, ông Nguyễn Vọng Ngàn, Trưởng ban Văn nghệ - Đài truyền hình VN, Trưởng ban Tổ chức giải Sao Mai 2022 đang diễn ra, cho rằng: “Đó là sự cảnh tỉnh, cần rút kinh nghiệm cho tất cả các chương trình truyền hình và cũng là bài học với ngay cả chúng tôi”. Nhạc sĩ Đỗ Bảo, Giám đốc âm nhạc của giải Sao Mai, cho hay hát “live” là yếu tố bắt buộc với tất cả các thí sinh tham gia. “Thí sinh không được phép hát bằng phương tiện nào khác mà phải bằng giọng hát của mình”, ông Bảo nói. Nhạc sĩ nhìn nhận: “Nền âm nhạc nói chung rất rộng. Có những khu vực là âm nhạc thị trường và có sự trao đổi giống như trao đổi hàng hóa. Đấy là nơi có thể thấy những trường hợp này, trường hợp kia xảy ra, có nhiều cách để người hát rút ngắn sức lao động hoặc làm giả tài năng”. Hát “live” luôn là giá trị để khẳng định tài năng của người ca sĩ. “Cuộc thi Sao Mai có thể không được chú ý về mặt thương mại, bề nổi, mà là cuộc thi chuyên môn, nhưng đó cũng không phải là “tháp ngà” xa rời đời sống mà gắn chặt với đời sống. Bởi có thể thấy nhiều lứa nghệ sĩ bước ra từ Sao Mai đã đóng góp cho đời sống âm nhạc rộng khắp cả nước với giọng hát của họ”, nhạc sĩ Đỗ Bảo nói.
Ca sĩ Chi Pu khiến khán giả “chịu trận” với màn biểu diễn trong chương trình Bữa trưa vui vẻ |
T.L |
Với ca sĩ Tùng Dương, anh luôn bị “đơ” khi hát nhép. Hát “live” là lúc anh được thăng hoa, truyền tải cảm xúc và tri ân với những khán giả yêu mến mình. Nam ca sĩ cho rằng: “Nhiều bạn trẻ bây giờ thực sự họ có những bước đi ngoạn mục khi sử dụng công nghệ cho chính những sản phẩm của mình để bắt kịp “trend” (xu hướng). Đó là những sự cố gắng, nỗ lực không ngừng học hỏi, tuy nhiên để có bản sắc rõ ràng và đi xa, dài hơi thì lại là câu chuyện khác”.
Anh nhìn nhận MV của một ca sĩ có thể đạt triệu “view”, nhưng khi hát “live” lại không được như kỳ vọng của khán giả, hay phải nhờ hỗ trợ của công nghệ. “Tôi nghĩ, tự mỗi cá nhân luôn biết mình thiếu hụt những gì để bồi đắp. Thế nên, đường dài mới biết ngựa hay, mới biết khả năng, thực lực về chuyên môn”, nam ca sĩ bày tỏ.
NSND Trần Hiếu, giọng ca đi qua thời gian của âm nhạc VN, nay đã ở tuổi 86, vẫn đi biểu diễn, dạy học. Ông cho rằng, nói trách móc những ca sĩ trẻ thì cũng vô cùng, nhưng ca sĩ cần phải hát bằng giọng hát của mình. “Đến giờ tôi vẫn luyện hát, để dạy học và biểu diễn”, NSND Trần Hiếu cho hay. Ông nói, người ca sĩ cần có nghị lực để rèn luyện và giữ giọng hát của mình. “Không thể nói, trời sinh tôi ra như thế thì tôi mới có giọng hát như vậy. Giọng hát sẽ không thể giữ hay kéo dài nếu không có sự rèn luyện, giữ gìn”, NSND Trần Hiếu nói. “Với tôi, ca hát không chỉ là niềm say mê mà tôi còn coi đó như lý tưởng sống của mình”, ông bày tỏ.
Bình luận (0)