Sau nhiều tháng đàm phán khó khăn, Mỹ và Afghanistan đã thỏa thuận được những nội dung cơ bản nhất của hiệp định quan hệ đối tác chiến lược cho thời kỳ nước ngoài rút quân khỏi quốc gia Nam Á vào cuối năm 2014. Hiệp định này là cơ sở pháp lý cho mọi hình thức, mức độ can dự của Mỹ và NATO ở Afghanistan thời hậu chiến.
Cả Kabul lẫn Washington đều chịu áp lực thời gian trong đàm phán về hiệp định nói trên. Đàm phán càng kéo dài thì càng có lợi cho Taliban. Hơn nữa, nếu không đạt được thỏa thuận trước Hội nghị cấp cao NATO diễn ra vào cuối tháng 5 thì các bên sẽ không thông qua được chiến lược chung cho Afghanistan thời hậu chiến và không thu xếp ổn thỏa số tiền 4 tỉ USD dự kiến phải chi ra để đảm bảo an ninh, ổn định cho nước này.
Sự đảm bảo đó mang tính chất sống còn đối với chính phủ Afghanistan bởi tuy bước vào thời hậu chiến nhưng chiến sự sẽ vẫn tiếp diễn. Taliban và các lực lượng Hồi giáo cực đoan vẫn là mối đe dọa về an ninh, vẫn là đối thủ của Mỹ và NATO. Vì thế, tuy trên danh nghĩa chính thức rút quân và chấm dứt chiến tranh, trên thực tế phương Tây vẫn phải duy trì lực lượng cố vấn quân sự an ninh, thậm chí cả binh lính ở Afghanistan trong nhiều năm tới. Theo hiệp định nói trên, lực lượng nước ngoài sẽ hiện diện tới năm 2024 và tiếp tục sử dụng không ít căn cứ quân sự ở Afghanistan. Mức độ có thể giảm, tính chất can dự có thể thay đổi nhưng thực chất quan hệ quyền lực giữa phương Tây với chính quyền Kabul đâu có khác thời trước mấy.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)