Cơ duyên để bà Amandine Dabat trở về cố cung, nơi mà vua Hàm Nghi (1871 - 1944), vị vua thứ 8 của triều Nguyễn đăng cơ, để giới thiệu cuộc đời và nghệ thuật của nhà vua là từ kết nối nhân chuyến công tác của tỉnh Thừa Thiên-Huế tại Pháp vào cuối tháng 8.2022.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế, cho biết chuyến công tác nhằm tìm hiểu về triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi kết hợp tìm kiếm các nguồn tư liệu lịch sử liên quan của triều Nguyễn tại Paris và Nice (Pháp). Tại đây, đoàn gặp bà Amandine Dabat, hậu duệ của vua Hàm Nghi, cùng với các kiều bào, các nhà sưu tập tư nhân. Họ đã sưu tầm, lưu trữ nhiều tài liệu gốc về di sản cung đình Huế thuộc triều Nguyễn; đặc biệt là tư liệu về cuộc đời và các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi, trở thành người đứng đầu phong trào Cần Vương rồi bị Pháp bắt đưa đi đày ở Algeria (châu Phi) đến cuối đời…
TS Amandine Dabat giới thiệu cuộc đời nghệ thuật của vua Hàm Nghi tại Duyệt Thị Đường, Đại nội Huế |
B.N.L |
Thêm lý giải nguyên nhân vua Hàm Nghi bị bắt
Trong dịp gặp gỡ đó, đại diện hậu duệ vua Hàm Nghi đã hiến tặng Trung tâm BTDTCĐ Huế bức tranh không đề của vua Hàm Nghi vẽ trong thời gian bị lưu đày tại Algeria, do hậu duệ của vua sống tại Pháp lưu trữ. Hiện bức tranh quý này đã chuyển về VN và lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Điều thú vị, bà Amandine Dabat không chỉ là chắt ngoại của vua Hàm Nghi mà còn là nhà nghiên cứu nghệ thuật, từng làm luận án tiến sĩ về cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi.
Vua Hàm Nghi (1871 - 1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn. Ông được các phụ chính đại thần chống Pháp là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ngày 2.8.1884, khi mới 13 tuổi. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra Tân Sở (Quảng Trị) và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (Algeria) cho đến khi qua đời tại đây năm 1944.
Tại buổi giới thiệu, TS Amandine Dabat bày tỏ xúc động khi được làm diễn giả tại nhà hát Duyệt Thị Đường để giới thiệu về cuộc đời nghệ thuật của vua Hàm Nghi.
TS Amandine Dabat cho biết, khi bắt tay vào nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ, bà đã tiếp cận được hơn 2.500 tài liệu quý gồm các thư từ, tranh, ảnh của vua Hàm Nghi từ gia đình.
Nguồn tư liệu này giúp hé mở nhiều chi tiết về cuộc đời vị hoàng đế nghệ sĩ bị lưu đày ít người biết đến. Ví dụ, chi tiết khi nhà vua bị bắt không phải do những người thân cận phản bội mà là do mật thám Pháp đã lần theo dấu tích từ vị công chúa được mẹ nhà vua cử theo hầu nhà vua để tìm ra nơi ở nhà vua. Khoảng thời gian những năm đầu sang Algeria, nhà vua không chịu “hợp tác” học tiếng Pháp. Giữa chính quyền Pháp với chính quyền bảo hộ tại Algeria cũng xảy ra những mâu thuẫn, khi chính quyền Pháp coi nhà vua là một đối tượng nguy hiểm thì ngược lại chính quyền bảo hộ ở Algeria lại nhận thấy nhà vua là một người hiền lành, gần gũi, dễ mến nên đã nới lỏng kiểm soát đối với ông.
Ông Hoàng Việt Trung với bức tranh do hậu duệ vua Hàm Nghi tại Pháp tặng cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế |
NVCC |
Từ nguồn tư liệu này, qua lời của người phiên dịch tên Trần Bình Thanh cho thấy nhà vua đặc biệt có năng khiếu hội họa, nhà vua đã tiếp cận với họa sĩ Marius Reynaud (1860 - 1935). Từ đó, vị vua lưu đày được hướng dẫn tiếp thu hội họa phương Tây.
Cùng ngày, tại nhà Tế Tửu - Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế khai mạc không gian triển lãm vua Hàm Nghi, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và di sản nghệ thuật của vị vua yêu nước, một nghệ sĩ tài hoa. Triển lãm giới thiệu đến công chúng nhiều hình ảnh khác về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày và bản sao 31 tác phẩm tranh, tượng do nhà vua sáng tác ở Algeria.
Bình luận (0)