Vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2. Tại hội nghị này, nhiều tập thể, cá nhân của Hậu Giang được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen.
Tuyến DCVL Tân Thuận (xã Tân Hòa, H.Châu Thành A) - Ảnh: Quang Minh Nhật
|
Những cách làm hay
Hậu Giang được Chính phủ phê duyệt 10 cụm tuyến dân cư vượt lũ (DCVL) với tổng diện tích 10 ha triển khai tại 4 huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A, Vị Thủy và TX.Ngã Bảy. Đến nay, tất cả cụm tuyến DCVL trên địa bàn đều hoàn thành việc tôn nền và xây dựng hạ tầng thiết yếu. 2.882/3.707 hộ dân đã vào cụm tuyến DCVL ổn định cuộc sống. Vào đây, người dân được đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản khi lũ về và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản như: giao thông thuận lợi, điện nước phục vụ sinh hoạt, trường học, trạm y tế, bưu chính viễn thông...
Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, công tác quy hoạch, lựa chọn vị trí xây dựng cụm tuyến DCVL được quan tâm sâu sát nên hầu hết các cụm tuyến DCVL tại Hậu Giang đều gần với đường giao thông, chợ, trường, trạm. Đặc biệt tuyến DCVL Cái Côn (TX.Ngã Bảy) sau khi hình thành đã khai thông đường liên xã (Tân Thành, Đại Thành) vốn cách trở đò giang từ hơn 30 năm qua. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo đầu tư những công trình lồng ghép nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân vào cụm tuyến DCVL.
Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng được tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân. Qua đó, nhiều hộ dân đã tham gia hiến đất, hoa màu và chủ động bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công. Kết quả toàn tỉnh đã tiết kiệm được 23 tỉ đồng từ giải phóng mặt bằng. Nguồn kinh phí này dành bổ sung thêm cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các cụm tuyến DCVL. Theo quy định, các hộ dân chỉ được vay ưu đãi 20 triệu đồng để xây dựng nhà, không đủ đảm bảo nhà 3 cứng (nền cứng, vách cứng, mái cứng). “Nhận thấy khó khăn này, lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các nhà thầu thi công tự bù kinh phí để xây dựng nhà đồng loạt cho dân với trị giá 31 triệu đồng/căn. 11 triệu đồng còn nợ xây nhà, hộ dân trả dần cho nhà thầu thi công trong 2 năm và hoàn toàn không tính lãi”, ông Khoa cho biết thêm.
Chung sức tháo gỡ khó khăn
Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết, cùng với bộ ngành và các tỉnh, thành trong vùng, Hậu Giang cũng đã nêu nhiều kiến nghị với T.Ư nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc xây dựng cụm tuyến DCVL. Theo ông Khoa, cụm DCVL Phú Hữu (H.Châu Thành) còn thiếu 100 nền do bị ảnh hưởng bởi dự án đường 927C cắt ngang. Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã cho gia hạn thời gian thực hiện trong năm 2015 nhưng tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn vốn, cần có sự hỗ trợ từ T.Ư để đảm bảo tiến độ triển khai. Đối với nguồn vốn chưa phân bổ hơn 1,6 tỉ đồng, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục hỗ trợ trong năm 2015 để địa phương sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm tuyến DCVL.
Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết hầu hết các hộ dân vào sống cụm tuyến DCVL đều là hộ nghèo, sinh sống bằng nghề làm thuê. Vì thế, Chính phủ và các bộ ngành T.Ư cần quan tâm nhiều hơn trong việc ban hành cơ chế chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội VN cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa để các địa phương giải ngân giúp hộ dân xây dựng nhà trong năm 2015. “Một số cụm tuyến đã bố trí dân vào sinh sống nhưng vẫn chưa có chủ trương bố trí lồng ghép hệ thống cây xanh do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế. T.Ư cần sớm thống nhất chủ trương này vì cây xanh cho cụm tuyến DCVL là một nhu cầu không thể thiếu”, ông Chánh nhấn mạnh.
Bình luận (0)