Năm 2012, Hậu Giang có gần 4% hộ khó khăn được công nhận thoát nghèonhờ áp dụng các mô hình làm ăn hiệu quả.
|
Mô hình sen - lúa
Ở Hậu Giang, tại những khu vực trồng lúa năng suất thấp, nông dân áp dụng mô hình sen - lúa mang lại hiệu quả cao. Ông Lê Văn Tám (ngụ ấp Thạnh Hòa 1, xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh) là người đầu tiên thực hiện mô hình kết hợp trồng sen trên đất lúa. Với 2 ha sen, cứ cách nhau 3 ngày, ông Tám thu hoạch gương sen 1 lần được khoảng 500 kg. Gương sen hiện có giá bán từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, giúp gia đình ông có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Ông Tám nói: “Trồng khoảng 4 tháng là thu hoạch được rồi, nhanh dữ lắm. Mùa sen năm nay, trừ chi phí, gia đình tôi cũng “bỏ túi” hơn 100 triệu đồng, cao gấp 3 lần trồng lúa”.
Cái lợi khác của mô hình sen - lúa còn ở chỗ làm giảm chi phí đầu tư ban đầu. Bởi sau vụ sen, người dân sẽ tiếp tục canh tác thêm vụ lúa chính trong năm. Với phương thức này, nông dân sẽ tận dụng được nguồn phân bón của vụ sen trước đó. Vì sau vụ sen, nguồn dự trữ chất bùn trong đất rất cao nên giảm được lượng phân lân bón cho lúa. Trồng sen, nông dân không lo tắc đầu ra bởi khi vụ sen mới bắt đầu là lúc thương lái đến hợp đồng bao tiêu. Sau khi thu hoạch, xe tải đến tận nhà mua để chở lên bỏ mối cho các công ty chế biến hạt sen ở TP.HCM. Cũng với mô hình sen - lúa, anh Lê Hoàng Ẩn (ngụ ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, H.Châu Thành A) đã tạo bước chuyển mới về thu nhập cho gia đình. “Mấy năm trước khó lắm, cứ chờ tới vụ lúa bán mới có tiền, bây giờ trồng sen thu nhập đều đều, cũng sướng lắm. Hơn nữa, chỗ này mình ên đất nhà tui thoi loi, nên trồng lúa bị chuột ăn quá trời, toàn lỗ nặng không hà”, anh Ẩn bộc bạch.
Tổ hợp tác trái cây
Những hội viên cựu chiến binh ấp Xẻo Vông A (xã Hiệp Lợi, TX.Ngã Bảy) đã xây dựng Tổ hợp tác mua bán trái cây gồm 12 thành viên, hoạt động gần 3 năm qua. Từ tổ hợp tác này, nhiều gia đình đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Còn nhớ khoảng 8 năm trước, ấp Xẻo Vông C được biết đến với tên gọi “xóm mua bán trái cây”, vì có nhiều hộ dân thu gom trái cây giao cho các chủ vựa. Nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác, nên làm nhiều nhưng lợi nhuận chẳng là bao. Ông Nguyễn Văn Tám, Tổ trưởng Tổ hợp tác mua bán trái cây, cho biết: “Trước đây, mạnh ai nấy mua, ai cũng chăm chút, giữ mối cho riêng mình theo kiểu “bí mật”. Cũng có lúc tranh mua giành bán, vì vậy mà các chủ vựa ép dữ lắm, nhiều khi lỗ muốn chết luôn. Rồi chúng tôi mới thấy rằng để “ép” lại mấy chủ vựa, chỉ có đoàn kết để làm thôi và giờ đây đã đem lại kết quả rồi”. Ông Nguyễn Minh Trí, thành viên của tổ, bộc bạch: “Hồi đó, tui cũng thuộc diện khó khăn, tham gia tổ, khi đi mua thiếu tiền được các thành viên khác cho mượn, lúc khan hiếm hàng, mấy thành viên cũng “chỉ mối” giùm. Chứ trước đây đâu có mượn tiền ai được”. Các thành viên của tổ bây giờ kết hợp nhau đi thu mua trái cây trên địa bàn TX.Ngã Bảy và các vùng lân cận về bán cho thương lái, thu nhập tròm trèm 10 triệu đồng/tháng. Con số được xem là lý tưởng đối với nông dân miền quê sông nước.
Những mô hình nêu trên có thể không mới đối với nông dân nhiều nơi khác, nhưng được các hộ dân ở Hậu Giang áp dụng hiệu quả. u đó cũng là sự năng động, tìm tòi đáng ghi nhận của những hộ dân nghèo tại một tỉnh mới chia tách chưa được 10 năm này.
Hoàng Nguyên
Bình luận (0)