Hậu Giang đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), nhằm từng bước nâng cao đời sống người dân.
|
Khó khăn vẫn còn nhiều
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa 10), tập trung khai thác lợi thế về lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp năm 2012 của Hậu Giang đạt gần 4.000 tỉ đồng (tăng 18,6% so với năm 2008). Năm 2013, thu nhập trên địa bàn tỉnh ước đạt 21,5 triệu đồng/người, tăng gấp 2 lần so với 2008; trong đó thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 2,2 lần, từ 8,9 triệu đồng/người (năm 2008) lên 19,4 triệu đồng/người (năm 2013), tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 14,5%...
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư vào các sản phẩm thế mạnh như: lúa gạo, cam, bưởi, khóm, chanh không hạt, mía, quýt đường… Hiện nay, cây mía Hậu Giang đang giữ vai trò chủ lực ở vùng ĐBSCL, cá thát lát được cả nước biết đến. Các loại nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, chất lượng cao thông qua liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước); tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng; đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.
Mặc dù đã nỗ lực tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, song so với yêu cầu đề ra, Hậu Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn ở mức chậm, còn lúng túng trong quy hoạch sản xuất một số loại cây trồng, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, trình độ lao động thấp, kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng ô đê bao tránh lũ, đê kè chống sạt lở ven sông… chưa được đầu tư đúng mức. Năng lực phòng tránh, ứng phó của nông dân còn hạn chế, dẫn đến thiệt hại không nhỏ mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Hiện đại hóa nông thôn
Hậu Giang đã đề xuất 18 kiến nghị lên Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm hiện nay của tỉnh như: kiên cố hóa trường lớp; chương trình y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; xây dựng nông thôn mới; đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (giai đoạn 2); đầu tư đê bao vùng mía, cây ăn trái; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang; bờ kè chống sạt lở kênh xáng Xà No… với tổng kinh phí khoảng 7.200 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Minh Chắc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết tỉnh đã đề ra định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020. Theo đó, Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn theo hướng hình thành nền sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của từng vùng; tăng năng suất lao động; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; mở mang ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm để thu hút nhiều lao động ở nông thôn. “Hậu Giang sẽ đẩy mạnh quy hoạch khu dân cư, phát triển các thị trấn, thị tứ, các điểm văn hóa ấp, xã, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn”, ông Chắc nói.
Với điều kiện khó khăn như hiện nay, đến năm 2015, Hậu Giang khó đạt 20% số xã nông thôn mới (19/19 tiêu chí). Tỉnh đã kiến nghị T.Ư xem xét, sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp với đặc thù của vùng, miền. Hậu Giang cũng đề nghị T.Ư quan tâm, chỉ đạo sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo sức bật và điểm nhấn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. |
Huỳnh Sử
Bình luận (0)