Thế nhưng, theo khảo sát của Thanh Niên, loại thuốc này và một số thuốc được quảng bá điều trị các triệu chứng do Covid-19 vẫn được rao bán với giá mỗi nơi một kiểu, chất lượng không được kiểm soát bởi cơ quan quản lý. Các thuốc này với đủ mẫu mã, xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga..., có giá khoảng 1,8 - 3 triệu đồng/hộp 20 viên, tùy loại; có thuốc được tự giới thiệu công dụng giảm các triệu chứng do Covid-19 gây ra được rao bán 110.000 - 150.000 đồng 1 hộp 24 viên hoặc 36 viên.
Đáng lưu ý, gần đây còn xuất hiện tài khoản để tên nhà thuốc, rao bán thuốc kháng vi rút (Molnupiravir) nhập khẩu từ Mỹ, Ấn Độ. Khi PV Thanh Niên chuyển thông tin này đến Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), một chuyên gia thẩm định cấp phép khẳng định, hiện chưa có thuốc kháng vi rút nhập khẩu được cấp phép lưu hành tại VN.
Mới đây nhất, hôm 18.2, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, một số đối tượng đã đưa vào thị trường VN nhiều mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh không rõ xuất xứ, không bảo đảm chất lượng như bộ đồ bảo hộ chống dịch, máy tạo ô xy, kit xét nghiệm Covid-19, găng tay y tế đã qua sử dụng và cả thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng...
Riêng với Molnupiravir, thuốc đang được nhiều người dân tìm kiếm trong bối cảnh F0 tăng nhanh trong cộng đồng, một chuyên gia điều trị lưu ý, Molnupiravir là thuốc trong danh mục được cơ quan y tế cấp cho các F0 đủ điều kiện sức khỏe điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thuốc này không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai, không được sử dụng để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm Covid-19...
Theo Bộ Y tế, bất cứ điều trị nào cũng cần kiểm soát các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Ngay với thuốc Molnupiravir đã được cấp phép (hiện mới có 3 thuốc sản xuất trong nước), quá trình điều trị, các F0 cần theo đơn của bác sĩ.
Cục Quản lý dược cũng đã có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và báo cáo về Bộ Y tế ngay khi có kết quả.
Với những khuyến cáo từ cơ quan quản lý, việc tự tìm mua, sử dụng và chỉ kiểm chứng chất lượng thuốc bằng “niềm tin” thực sự là nguy cơ với sức khỏe cá nhân.
Tuy nhiên, cùng với khuyến cáo người dân không mua thuốc không rõ nguồn gốc, ngành y tế cần nhanh chóng tạo thuận lợi hơn nữa để những người không may nhiễm Covid-19 an tâm rằng, họ có thể được tiếp cận thuốc điều trị trong tình huống cần thiết. Vì thực tế cho thấy, việc khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị khi các F0 đang tăng nhanh tại một số nơi như Hà Nội cũng là một trong những lý do khiến người dân tự tìm kiếm thuốc điều trị cho mình, cho dù không phải họ không nghi ngại về nguồn cung.
Bình luận (0)