Hậu nhật ký của ông già Noel

28/12/2014 08:03 GMT+7

Ngày... tháng... năm... Ôi mấy hôm nay trời lạnh quá, lưng mình cứ đau đau. Ai cũng đòi ông già Noel cho quà, nhưng chả ai cho ông ấy một viên thuốc giảm đau sau mấy trăm năm. Bất công thật. Loài người có câu "Bánh đúc trao đi, bánh quy trao lại". Hay là ta không phải người?

Ngày... tháng... năm...

Ôi mấy hôm nay trời lạnh quá, lưng mình cứ đau đau. Ai cũng đòi ông già Noel cho quà, nhưng chả ai cho ông ấy một viên thuốc giảm đau sau mấy trăm năm. Bất công thật. Loài người có câu "Bánh đúc trao đi, bánh quy trao lại". Hay là ta không phải người?

Minh họa: DADMinh họa: DAD
Bao nhiêu năm qua cũng chưa có báo chí nào đề cập ông già Noel ăn gì, lĩnh lương ra sao? Ở nhà chung cư thang máy có hư hay không hoặc con cháu ngoan, chăm sóc hay bỏ bê? Nghĩ lại đôi lúc thấy tủi thân, số phận mình không bằng các danh hài hoặc các ca sĩ tuổi teen! Thôi mặc kệ, đã khờ tới tuổi này còn bao nhiêu mà mất nữa.
Coi lại các gói quà, thấy cũng hơi lo. Lại chó bông, thỏ bông, ô tô chạy pin, gà nhựa lên dây cót... Những thứ này hơi cũ. Nghe nói trẻ em hôm nay khác rồi, ghê lắm chứ không như trước nữa. Chúng nó hoặc đòi "I pôn", "I pác" hoặc đòi vé vô bar, vô vũ trường. Khiếp, ai mà lo cho nổi. Hồi trẻ ta có những thứ ấy đâu, mà bây giờ con nít bày đặt!
Ngày... tháng... năm...
Ra xem lại mấy con tuần lộc trong chuồng. Thấy chúng nó còn khỏe nhưng thời buổi này đi xe chúng kéo chậm quá. Hay là nhân tiện xăng đang giảm giá, mình đi xe gắn máy cho nhanh? Không được, ông già Noel phải giữ vẻ ngoài dễ thương, không thể "ngầu" được. Với lại mình không có bằng lái, gặp cảnh sát giao thông chẳng lẽ trình quà? Ai tin?
Xem lại danh sách, băn khoăn không biết nên trao quà cho con nhà nghèo hay con nhà giàu trước. Về nguyên tắc, trẻ con đều bình đẳng trước ông già Noel, nhưng về tình cảm mình phải thương mấy đứa nghèo. Chúng nó nhận món gì cũng vui.
Nhưng dựa vào đâu để biết giàu nghèo? Ông già Noel phát quà làm gì có kèm theo lý lịch? Nhưng bằng kinh nghiệm bao nhiêu năm, ta vẫn biết. Trẻ con nhà khá giả thường có tên phức tạp, ví dụ Công Tằng Tôn Nữ hoặc Nguyễn Lê Bích Tuyền, Philíp Đờ Thanh Thảo trong khi trẻ em nghèo thường đơn giản Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Thị Tèo. Ôi, tất cả trẻ con đều nhận quà khi chúng nó đang ngủ. Ta hơi buồn, khi đoán rằng đôi khi giấc mơ của các cháu còn đẹp hơn quà. Bởi vì quà mua bằng tiền, còn giấc mơ mua bằng hy vọng.
Thử đánh xe vọt lên trời, thấy nhiều ông già Noel cũng đang phóng như bay. Tại sao không có các bà già làm nghề này nhỉ? Nghĩ miên man cũng không tìm được lý do. Hay tại bà già luôn luôn vừa cho quà vừa cằn nhằn?
Đèn thành phố bên dưới lấp lánh. Đêm Giáng sinh sao cái gì cũng lấp lánh, kể cả tâm hồn. Văng vẳng từ cửa sổ nhà ai câu hát "Bài thánh ca đó còn nhớ không em?". Đêm nay hãy nhớ tới bài thánh ca, đừng nhớ gì tới cơm áo gạo tiền em nhé!
Ngày... tháng... năm...
Đang phóng trên đường thì bị một bà chặn lại. Dù đang vội, bà cũng cương quyết không cho đi, và nói:
- Này ông già Noel, mỗi năm ông chỉ cho con tôi quà có một lần thôi mà nó cứ nhắc mãi về ông, coi ông là thần thánh, trong khi tôi biết tỏng lắm khi ông cũng lẩm cẩm. Còn tôi là mẹ nó, tôi cho nó ăn, nó uống và đủ thứ quà hằng ngày mà sao trẻ con vẫn không nghe lời, ông giải thích giùm xem.
Mình bóp tay lên trán giả bộ suy nghĩ một lát rồi nói: Thưa bà, bà cho trẻ con nhiều quà hơn tôi nhưng bà lại bắt nó học, nó lau nhà, quét nhà và chơi với ai, đi với ai theo ý bà. Tôi chỉ cho mỗi lần một năm nhưng cho mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì vì vậy trẻ con thích ông già Noel hơn.
Bà ấy bĩu môi, trả lời:
- Tại vì quà của ông không bỏ tiền ra mua. Còn tôi, bất cứ thứ gì cho con tôi cũng phải làm quần quật, tôi phải kèm theo điều kiện là đúng rồi. Ông cứ thử tự làm ra tiền sắm đồ chơi đi, ông sẽ khác ngay!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.