Hậu phán quyết PCA: Cẩn trọng với những trò chơi trực tuyến Trung Quốc

14/07/2016 19:00 GMT+7

Nhiều năm gần đây, các sản phẩm game trực tuyến của Trung Quốc đang dần được tận dụng như một công cụ tuyên truyền đắc lực, hiện tượng này nhiều khả năng sẽ nở rộ một lần nữa sau khi tòa án quốc tế bác bỏ chủ quyền lãnh thổ "đường lưỡi bò" phi lý.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp game Trung Quốc đang đạt tới đỉnh cao nhất của mình sau nhiều năm vận động, phát triển. Con số tăng trưởng đồng đều 23% mỗi năm (xấp xỉ) đang dần biến Trung Quốc trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực trò chơi điện tử, từng bước vượt mặt các thị trường cạnh tranh trực tiếp, trong đó có cả Bắc Mỹ. Mặc dù trong năm 2016, mức tăng trưởng này sẽ bị sụt giảm đôi chút, nhưng vẫn có khả năng kiếm về gần 25 tỉ USD cho các hãng làm game Trung Quốc.

Tập đoàn Tencent không chỉ hùng mạnh trong lĩnh vực internet...

Đại diện tiêu biểu nhất cho sự thống trị này, chính là gã khổng lồ Tencent - được xem như "giáo chủ" của những doanh nghiệp làm game Trung Quốc. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, với sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, Tencent đã được dọn đường để thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp game trong nước, sau đó tiến ra thị trường quốc tế và "nuốt chửng" hàng loạt cái tên lớn: Glu Mobile, Activision Blizzard, Supercell... Ở thời điểm hiện tại, Tencent đang là một trong những thương hiệu lớn nhất của ngành công nghiệp game toàn thế giới.

...mà còn có sức ảnh hưởng đến làng giải trí Hoa ngữ.

Từ nhiều năm nay, ngành công nghiệp game Trung Quốc đã đủ khả năng để tự sản xuất trò chơi trực tuyến một cách độc lập, và thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ các sản phẩm này. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ nổi bật nhất. Tuy chưa bao giờ được đánh giá cao về "chất", nhưng các sản phẩm của Trung Quốc đạt được năng suất về "lượng" khổng lồ.

Game Glorious Mission

Và trong số hàng ngàn sản phẩm game được sản xuất mỗi năm này, không ít trò chơi có lồng ghép nhiều yếu tố chính trị, phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Cái tên nổi bật nhất cho xu hướng làm game này là Glorious Mission, do PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc) trực tiếp phát hành, sử dụng trò chơi như một công cụ tuyên truyền cho quân đội Trung Quốc. Trò chơi được phát hành vào năm 2012, đúng thời điểm căng thẳng xoay quanh việc tranh chấp đảo Senkaku giữa Nhật Bản và Trung Quốc, do hãng Giant Interactive phát triển.

Cụ thể, trong Glorious Mission, cốt truyện trò chơi chủ yếu xoay quanh cuộc xung đột tại đảo Sankaku. Người chơi hóa thân thành một binh sĩ PLA, tiêu diệt và đẩy lùi lực lượng JSDF (Lực lượng tự vệ Nhật Bản) ra khỏi Sankaku.

game trung quốc tuyên truyền sai lệch

Game World Of Warships

Một ví dụ khác trong việc sử dụng trò chơi điện tử với mục đích tuyên truyền, chính là sản phẩm game thủy chiến World Of Warships (phiên bản sau của World Of Tanks), do Kongzhong đồng phát hành cùng Wargaming. Tuy nhiên, trang chủ và các kênh truyền thông của trò chơi này (tại Trung Quốc) được đăng tải, dẫn link, lồng ghép nhiều thông điệp sai lệch về chủ quyền biển Đông.

Nguy hiểm hơn, cả Giant Interactive và Kongzhong đều là những đối tác thường xuyên cung cấp game cho các doanh nghiệp kinh doanh, phát hành trò chơi trực tuyến tại Việt Nam.

Kongzhong từng hợp tác với Soha Game để phát hành Hậu Cung Vô Song tại Việt Nam, với tên gọi Đoạt Mỹ Nhân vào năm 2014 (đã dừng hoạt động). Mới đây, tên tuổi của Kongzhong một lần nữa trở nên "nóng" trên các trang tin với sản phẩm Iron Storm, trò chơi cũng lấy bối cảnh chiến tranh tương tự như World Of Tanks.

game trung quốc tuyên truyền sai lệch

Game Hậu Cung Vô Song phiên bản Trung Quốc với hình ảnh phản cảm

Về phần Giant Interactive, hãng này đã từng gây tai tiếng lớn tại Việt Nam vào năm 2012, khi âm thầm đưa "đường lưỡi bò" phi lý vào bản đồ trò chơi Chinh Đồ (VNG phát hành). Mới đây, Giant Interactive đã hợp tác với Soha Game để phát hành Chinh Đồ Mobile tại Việt Nam.

Đường lưỡi bò từng được đưa vào game online Chinh Đồ 2.0 phát hành tại Việt Nam

Ngoài những tên tuổi lớn như VNG, Soha Game, VTC... rất nhiều những hãng phát hành có quy mô nhỏ hơn, hoặc thậm chí là các đơn vị phát hành "chui", đơn vị phát hành không phép núp bóng doanh nghiệp Trung Quốc... đã và đang cung cấp hàng trăm sản phẩm có xuất sứ Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh truyền thông, các kênh tuyên truyền và cả lĩnh vực văn hóa, giải trí... của Trung Quốc đang ra sức truyền bá những thông điệp sai sự thật về "đường lưỡi bò" mặc cho phán quyết của tòa án quốc tế (PCA), thì không loại trừ khả năng ngành game Trung Quốc cũng sẽ trở thành một công cụ khuếch tán, tiêm nhiễm thông tin sai lệch. Do đó, rất hy vọng những đơn vị phát hành game tại Việt Nam sẽ tỉnh táo, cẩn thận và thẩm định sản phẩm kỹ lưỡng, trước khi đưa các trò chơi này đến tay game thủ Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.