Cây cầu “bí ẩn” trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Hậu thân của cầu Lão Hòa/Lão Huệ/cầu số 4

25/02/2025 06:01 GMT+7

Nếu đoạn đường thông ra Verdun nay mang tên hẻm Cách Mạng Tháng Tám thì một chút dấu vết còn lại của cây cầu là bên kia rạch vẫn còn một đoạn hẻm nhỏ và hàng chục nhà trong hẻm này vẫn mang tên đường Bùi Thị Xuân. Riêng những nhà trong hẻm này gần đường Hoàng Sa mới mở thì đã đổi số nhà, thành hẻm của đường Hoàng Sa.

Cây "cầu Lão Huệ" mới bằng gỗ, độ bền không cao, có lẽ cũng từng được sửa chữa, xây dựng lại nhiều lần. Cho tới sau năm 1954, những người Nam cố cựu tại chỗ lẫn giáo dân xứ An Lạc bên kia cầu đều nhớ nó vẫn là một cây "cầu ván đóng đinh", nhiều tấm bung khỏi mặt cầu; tay vịn là những cây gỗ tràm tròn đóng tạm bợ, thanh cái lung lơ, cái rớt mất. Cầu chủ yếu để đi bộ hoặc người gánh hàng qua lại. Xe ngựa cũng không đi cầu này mà chạy lối cầu Ông Tạ. Cầu không bảng tên, có người gọi là cầu ván, có người gọi cầu gỗ… Sao cũng được khi thực tế cây cầu này đã không còn vị trí thông thương quan trọng ban đầu của nó.

Hậu thân của cầu Lão Hòa/Lão Huệ/cầu số 4- Ảnh 1.

Tháng 7.2004, sau khi làm xong các cây cầu 1, 2, 3, 4, 5… thì tháo dỡ tất cả các cây cầu đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong ảnh: tháo dỡ cầu Ông Tạ, hai bên là cầu số 2 (trái) và cầu số 3

ẢNH: TRẦN TIẾN DŨNG

Khoảng cuối thập niên 1950, dân cư hai bên cầu ngày một đông. Thấy cây cầu không chắc chắn, nguy hiểm quá, Hội đồng xã Tân Sơn Hòa (Q.Tân Bình) phá bỏ cây cầu gỗ cũ, dựng một cây cầu mới đúc bê tông, xi măng trộn đá 1x2 lẫn sỏi. Chiều ngang cầu khoảng 3 - 4 thước, dài hơn chục thước, tay vịn bằng sắt, không có lối dành cho người đi bộ. Người, xe đạp, xe máy lẫn xe ngựa đi chung.

Do bê tông có trộn sỏi, không tráng nhựa nên chỉ đi một hồi, lớp xi măng bề mặt bị tróc dần, nhô ra lớp sạn sỏi bên dưới. Dân quanh đó tự gọi là cầu Sạn. Sau đó, nó được tu sửa nhiều lần.

Cây cầu này đến năm 1975 chỉ là cầu nội bộ khu vực, phân ranh giữa hai cộng đồng, một bên là đa số người Nam cố cựu bên này cầu và một bên là bà con người Bắc 1954 thuộc khu An Lạc bên kia cầu. Nói phân ranh là sự thật và có chứng cứ cụ thể. Bà con từng sống hai bên cầu đều biết cây cầu "ranh giới" này với những cuộc chiến "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" của đám choai choai hai bên cầu, kéo dài cả chục năm - từ 1954.

Hậu thân của cầu Lão Hòa/Lão Huệ/cầu số 4- Ảnh 2.

Đường Bùi Thị Xuân nhìn từ khu An Lạc (nay là P.5, Q.Tân Bình). Trước năm 2004, nơi đây có cây cầu Sạn. Cây cầu bên trái ảnh hiện nay là cầu số 4

ẢNH: C.M.C

Hồi cuối thập niên 1960, tôi đi hớt lăng quăng ở chân cầu này thấy có hai cổng sắt sét rỉ ở hai đầu, nhưng vẫn tra khóa hẳn hoi - không biết ai lắp. Nghe đồn, không rõ thực hư ra sao, hai cổng này dựng ra để ngăn chặn thanh thiếu niên hai bên cầu đụng chạm nhau. Thực tế tôi biết và nghe kể đã có những trận đánh nhau đổ máu trên cầu này của thanh thiếu niên hai bên cầu.

Ra đời có vẻ cùng thời điểm đầu thập niên 1910, một cây cầu không tên khác bắc qua hương lộ 16 (nay là Phạm Văn Hai) cũng không hề có tên. Mãi tận sau năm 1954, thoạt đầu có người kêu là cầu Bục, sau gọi cầu Đúc hoặc cầu Bê Tông…, ai kêu gì cũng được. Sau này và gần đây nó được gọi là cầu Ông Tạ.

Thoạt đầu, cây cầu Ông Tạ thông sang chợ Ông Tạ cũng bằng gỗ như cầu Sạn bên kia. Trước 1954, khu vực quanh hai cây cầu này như một "vùng tử địa". Việt Minh ra vùng tự do (Bà Quẹo) bị giặc bắt, chặt đầu ném xuống rạch Nhiêu Lộc. Ngược lại, Pháp và Việt gian bị trừng trị cũng chặt đầu ném xuống rạch.

Hậu thân của cầu Lão Hòa/Lão Huệ/cầu số 4- Ảnh 3.

Đường Bùi Thị Xuân ở khu An Lạc khi qua cầu Sạn thực tế trước 1975 đã nhỏ như con hẻm. Một số nhà nơi đây tới giờ vẫn mang địa chỉ mặt tiền đường Bùi Thị Xuân

ẢNH: C.M.C

Sau năm 1954, bà con di cư ở khu nhà Dây thép gió (khu Vườn rau Lộc Hưng hiện nay) cứ thấy gần đó chỗ nào trống là "tấp" vào dựng lều, dựng nhà trên rạch, đoạn xung quanh cầu Sạn, cầu Ông Tạ, hình thành nhiều xóm: xóm Cả Trắc, xóm Vựa Mắm hay xóm Mắm (từ cầu Sạn, cầu Ông Tạ dài sang gần ngã tư Bảy Hiền lúc ấy một số nhà làm mắm)…

Con đường chạy qua cầu Ông Tạ trước năm 1957 gọi là đường làng/hương lộ 16. Sau đó, do là tuyến đường chính chạy từ Hòa Hưng, ngã ba Ông Tạ lên Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa và phi trường Tân Sơn Nhứt, nó nhanh chóng được đúc bê tông, mở rộng, kéo dài, tráng nhựa. Cho tới và trước ngày dỡ bỏ để xây hai cầu số 2, 3 hiện nay (tháng 7.2004), cây cầu này vẫn khá vững chãi, chiều ngang khoảng gần chục thước, dài gần 20 thước, tay vịn đúc bê tông và hai bên có lối đi cho người đi bộ. Xe tải, xe cam nhông (camion)… qua lại thoải mái.

Hậu thân của cầu Lão Hòa/Lão Huệ/cầu số 4- Ảnh 4.

Vị trí hai cầu cũ giữa cầu số 4 và 5 trên rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay

ẢNH: GOOGLE MAPS - GHI CHÚ: C.M.C

Với cây cầu Ông Tạ ngày càng tỏ rõ vị trí huyết mạch, cầu Sạn đã mất dần vị trí ban đầu của nó, chỉ còn là cầu nhỏ nội khu. Thậm chí là cây cầu ở vùng Ông Tạ, nhưng có người cũng chưa từng đi, không biết cây cầu này. Từ giữa năm 2004, cùng với các cây cầu khu thượng nguồn rạch Nhiêu Lộc, cầu Sạn bị phá bỏ, thay bằng hai cầu số 4 và 5 hai bên.

Vị trí cầu Sạn cũ sát bên cầu số 4. Nhưng vai trò của nó hoàn toàn khác: chủ yếu phục vụ giao thông trên cặp đường Hoàng Sa - Trường Sa chứ không còn là đi lại nội khu.

Tìm lại dấu xưa từ một góc nhìn hạn hẹp, có thể bài viết vẫn có những chỗ sơ sót, thiển cận. Kính mong các bậc trí giả, các vị trí thức và bạn đọc mở lòng lượng thứ, chỉ bảo thêm. Xin được lắng tai nghe và cảm ơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.