Trước đó, EU chính thức ban hành lệnh cấm vận đối với khoảng 40 quan chức Belarus vì cuộc bầu cử tổng thống “gian lận” hồi tháng 8 và hành động bạo lực với người biểu tình phản đối kết quả bầu cử.
EU mất khoảng một tháng rưỡi mới đưa ra được lệnh cấm vận ngày 1.10 vì những bất đồng nội bộ, không phải là về đối tượng của lệnh cấm là Belarus, mà là về vấn đề hoàn toàn không liên quan. Cụ thể, Cộng hòa Síp đặt yêu cầu thông qua lệnh cấm vận là EU phải có hành động cương quyết đối với việc khoan thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển tranh chấp phía đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ tuy bị Pháp chỉ trích mạnh mẽ về căng thẳng với Hy Lạp và Cộng hòa Síp, nhưng lại được EU coi là đối tác quan trọng về thương mại, nhập cư...
Reuters đưa tin sau 6 giờ đàm phán căng thẳng và tưởng chừng sẽ kết thúc trong bế tắc, EU nhận được cái gật đầu của Cộng hòa Síp, sau khi khối này đưa ra cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị trừng phạt nếu tiếp tục việc thăm dò trong vùng biển tranh chấp.
Giới quan sát cho rằng dù thế bế tắc được giải quyết nhưng nó cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ EU và chứng tỏ khối này đang trở thành con tin chính trị của chính các quốc gia thành viên.
Bình luận (0)