Thái Lan vừa chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2014, khi hơn 10.000 người xuống đường ở thủ đô Bangkok hôm 16.8 bất chấp nỗi lo lây lan dịch Covid-19. Dòng người biểu tình, với sinh viên là nòng cốt, tập trung tại Tượng đài Dân chủ, đòi giải tán quốc hội và sửa đổi điều 269 và 272 của Hiến pháp để cho phép người dân tự tìm người đại diện cho lá phiếu của mình.
Nỗ lực viết ra một chương mới trong đời sống chính trị Thái Lan nhằm hướng tới xoa dịu căng thẳng và giải quyết xung đột chính trị bước đầu có hy vọng sau khi Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai hôm 18.8 chấp nhận kiến nghị của phe đối lập về sửa đổi điều 256 của Hiến pháp, mở đường cho việc thành lập một cơ quan soạn thảo Hiến pháp mới. Theo ông Chuan, quá trình xác định tính hợp pháp của kiến nghị sẽ bắt đầu ngay lập tức và kiến nghị có thể được đưa vào chương trình nghị sự của Hạ viện trong vòng 15 ngày tới.
Về phía chính phủ, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết các bước đang được tiến hành để xem xét yêu cầu về sửa đổi Hiến pháp, trong đó Hạ viện đã thành lập ủy ban nghiên cứu việc sửa đổi các điều lệ, còn chính phủ đã lên kế hoạch tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của sinh viên biểu tình. Dù vậy, ông bác bỏ việc đáp ứng các yêu sách của người biểu tình trong tháng 9.
Vẫn chưa thể chắc chắn về diễn tiến sắp tới và động thái trên có đủ xoa dịu người biểu tình hay chưa, nhưng đây có thể coi là sự hồi đáp cần thiết bước đầu của chính phủ Thái Lan nhằm ngăn chặn bất ổn và bạo lực có thể xảy ra.
Bình luận (0)