Từ ngày chuyển sang chung cư ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, sau những tòa nhà cao ốc, kín tường ngăn cách, mỗi buổi sáng thường vẳng bên tai tôi những lời chuyện trò rôm rả, đàm đạo những chuyện đó đây cổ kim đông tây bởi một bàn tròn “cây cao bóng cả”, như xóa tan nhịp sống nơi đô thị.
Bỗng một giọng đàn ông ồ ồ: “Không có con đường đau khổ, chỉ có những người đau khổ”, văng thật xa lên tận lầu 5, đã lọt vô tai và khiến tôi không khỏi suy nghĩ.
Câu này tôi đã nghe hơn một lần, nhưng ít nhất như lần này, buộc phải nghĩ nhiều hơn. Thật tình cờ, trước được trò chuyện cùng chị bạn (một nhân vật trong bài viết), một mẫu người phụ nữ hiện đại với một gia đình lý tưởng, sung túc về vật chất, hạnh phúc về tinh thần nhưng mấy ai ngờ trước đó cả cuộc đời trần ai, chị cũng vật vã, chênh vênh.
Chị nói mà thấm thía: “Em cứ sống bình tĩnh, em nghĩ em khổ thì em sẽ khổ, em nghĩ em hạnh phúc thì em sẽ hạnh phúc. Vậy thì mình đừng bi quan, để tự mình phát ra những tia sống tích cực”.
Rồi chị kể những tháng ngày chị là người đau khổ vì làm ăn thất bại, chị như lún chân xuống vũng cát, càng vùng vẫy càng lún sâu. Với suy nghĩ tự mình phải gầy dựng sự nghiệp dù đôi bàn tay trắng, vay mượn, cầm cố tài sản để mở một nhà hàng cao cấp ở Q.1, TP.HCM.
Trời không ủng hộ cho bao sự nỗ lực của chị, làm ăn thua lỗ, nợ dồn nợ, phải lấy khoản này đắp khoản kia, phải cầm cố những gì cầm được, thậm chí chiếc xe máy đang đi hay hộ khẩu... để trả lương cho nhân viên cho đến khi... trắng tay lẫn nợ nần.
Cơm không lành, canh không ngọt bởi tiền bạc, dường như đó là mẫu số chung cho những cặp vợ chồng, chớ không riêng mỗi ai. Đỉnh điểm, cao trào cũng là lúc vợ chồng dắt nhau ra tòa. Ngay cái lúc ranh giới mong manh của sự ra đi hay ở lại, “tia sống” của một người bại trận lại bừng lên. Như một nút mở, chị rút lời và đề nghị hàn gắn, đi ngược với bao suy nghĩ quả quyết trước đó. Gầy dựng lại với một tinh thần của người thất bại, thảnh thơi đón nhận, bình tĩnh sống và làm việc… và giờ này khoác lên mình là một mẫu phụ nữ hiện đại, thành đạt.
10 năm là quãng đường chị khôi phục lại tất cả. Tôi hỏi vì sao chị lại làm được và thay đổi một cách diệu kỳ như vậy, phúc hậu cười, chị đáp gãy gọn: “Em hãy bình tĩnh mà sống”. Và rằng, với một người ném trải cả những cung bậc cảm xúc, sóng gió của cuộc đời mà nói lên những câu rút ruột nhả tơ, tôi tìm thấy mình trong đó, và có lẽ cả những người đang tua mình cuộn vội trong vòng xoáy mưu sinh, phải chựng lại để suy nghĩ.
Công việc làm báo, mỗi ngày đi qua là mỗi ngày tôi được gặp những con người với những hoàn cảnh khác nhau, có những người nghèo rất nghèo, nhưng lại rất giàu tinh thần, họ sống "tự nhiên như nhiên” mà ngay cả chính mình vẫn không dễ làm được.
Khi gặp họ, những nhân vật, những cuộc đời cho tôi có lý do để tin rằng: bình tĩnh nhìn cuộc sống như nó vốn có, đó mới là nguyên nhân của hạnh phúc. Tôi tin vào đôi bàn tay tạm thời trống không, nếu luôn có một trái tim hoài vọng, có những suy nghĩ tích cực, rồi mọi thứ sẽ là cơ duyên, là bằng hữu, là hương hoa... Cảm giác thảnh thơi, thư giãn chỉ đến khi cuộc sống không còn tồn tại những “bị”, “buộc”, “phải” mà thay vào đó là ta hãy bình tĩnh… mà sống.
Bình luận (0)