Cơ thể mệt mỏi có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Vì mệt mỏi, người mắc không muốn rời khỏi giường, mất tập trung khi làm việc, học tập. Họ cũng không đủ thể lực để đến phòng gym.
Trong nhiều trường hợp, mệt mỏi là phản ứng bình thường của cơ thể khi bị căng thẳng, mất ngủ hay áp lực công việc. Khi đó, mọi người nên dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, khôi phục năng lượng, Reader’s Digest dẫn lời giáo sư y khoa Tom Declercq tại Đại học Ghent (Bỉ).
Nếu như đã nghỉ ngơi nhưng tình trạng mệt mỏi không hết, kéo dài hơn 2 tuần hay kèm theo một số sự thay đổi bất thường về thể chất thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay, ông Declercq lưu ý.
Khi đến gặp bác sĩ, bệnh nhân cần phải mô tả chi tiết tình trạng mệt mỏi của bản thân. Điều này là cần thiết để bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gốc rễ.
Nguyên nhân của mệt mỏi kéo dài có thể xuất từ vấn đề thể chất hay tinh thần. Ví dụ, nếu do thể chất thì người bệnh sẽ mau cảm thấy mệt khi chơi thể thao hay vận động. Nếu do tinh thần thì có thể người bệnh đang chịu áp lực công việc hay trầm cảm.
Những trường hợp mệt mỏi do buồn bã, trầm cảm, rối loạn lo âu có thể được cải thiện bằng thuốc trầm cảm hoặc các phương pháp trị liệu tâm lý.
Ngoài ra, mệt mỏi cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng trong cơ thể. Mệt mỏi kèm theo chóng mặt thường là do thiếu máu, kèm theo thở dốc là bệnh tim.
Nếu mệt mỏi xuất hiện đột ngột và kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm và sụt cân không rõ nguyên nhân thì có thể là triệu chứng của ung thư.
Mất ngủ cũng là nguyên nhân được bác sĩ xem xét. Chất lượng giấc ngủ kém, mất ngủ, thường xuyên giật mình nửa đêm, ngưng thở khi ngủ cũng gây mệt mỏi. Không để thú cưng lên giường quấy rầy giấc ngủ hay hạn chế dùng điện thoại, máy tính trước khi ngủ có thể giúp ích cho người bệnh.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể khôi phục lại trạng thái thể chất khỏe mạnh bằng cách ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và tập luyện thể thao thường xuyên, theo Reader’s Digest.
Bình luận (0)