GS George Fitzgerald Smoot (người Mỹ), đoạt giải Nobel Vật lý năm 2006, vừa có buổi giao lưu đầy thú vị với các học sinh VN đoạt giải trong những kỳ thi Olympic quốc tế và học sinh tỉnh Bình Định đoạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
GS George F.Smoot trao quà cho các học sinh VN - Ảnh: H.T
|
Chương trình do Tỉnh đoàn Bình Định phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ VN tổ chức tại TP.Quy Nhơn.
Nhà khoa học cần rất nhiều thứ
Tại buổi giao lưu, Nguyễn Thế Hoàn (Trường THPT chuyên khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội - huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2015) hỏi: “Lúc ở trường THPT, GS học giỏi toán nhưng sau đó tại sao lại nghiên cứu vật lý?”. GS George F.Smoot cho biết ông đã tốt nghiệp cả hai bằng ĐH về toán và vật lý nhưng ông thích vật lý hơn. Tuy nhiên, theo ông, không chỉ trong nghiên cứu ngành vật lý mà nhiều ngành khoa học khác cũng rất cần đến toán học và cả tin học, hóa học hay sinh học...
Lê Nhật Hoàng (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn) thắc mắc: “Thành công của GS trong nghiên cứu khoa học đến từ bản thân GS hay có sự giúp đỡ của một nhóm cộng sự?”. GS George F.Smoot trả lời ông có nhóm cộng sự gồm 28 người giúp sức khi nghiên cứu dữ liệu từ vệ tinh COBE. Những người này làm rất nhiều việc khác nhau, tất cả đều có đóng góp trong kết quả nghiên cứu cuối cùng. Trong công trình nghiên cứu khoa học, cần rất nhiều người tham gia nhưng Ban tổ chức giải Nobel quy định 1 - 3 người đại diện để trao giải nên họ chọn những người chủ chốt, người có vai trò chủ nhiệm.
“GS nói thành công của mình là nhờ có nhóm cộng sự. Nhưng bản thân em thì khả năng làm việc nhóm rất kém, mỗi khi lớp em có tổ chức hoạt động nhóm thì thường không đạt kết quả như mong muốn. Mong GS cho em một lời khuyên?”, Phan Thanh Hào (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn) hỏi.
GS George F.Smoot trả lời: “Trong nhóm nhiên cứu dự án của tôi, tôi là chủ nhiệm, tôi kích thích mọi người, làm cho họ thấy điều quan trọng của dự án mà chúng tôi phải hoàn thành. Muốn nhóm hoạt động tốt thì vấn đề quan trọng là kỹ năng của người lãnh đạo. Thứ nhất là khuyến khích người ta làm việc, thứ hai là phải lưu ý đến mục đích, lợi ích cá nhân của họ khi làm việc phải phù hợp với mục tiêu của nhóm, gắn với lợi ích nhóm”.
Nếu bạn thấy lo lắng…
Vũ Xuân Trung (Trường THPT chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình - huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2015) hỏi: “GS yêu thích vật lý nhưng có lúc nào GS cảm thấy không còn yêu thích nó không? GS có cách nào để khôi phục lại niềm yêu thích đó?”. GS George F.Smoot khen đây là câu hỏi rất hay và trả lời: “Nếu bạn thấy lo lắng về những khó khăn mà bạn đối mặt ở trường THPT hoặc ĐH thì bạn chọn hướng đi khác. Chẳng hạn như bạn theo một ngành học mà bạn nghĩ nó không hay thì nên chọn ngành khác. Thời đi học, tôi cũng có thầy dạy vật lý ở cấp THPT không được tốt lắm nhưng lại có thầy dạy hóa học rất tốt. Nhưng đó không phải là điều quyết định, có nhiều thứ quan trọng hơn để bạn chọn nó. Bạn nên chọn cái đáng giá hơn, mình quan tâm hơn thì sẽ có động lực để vượt qua được những khó khăn”.
“Nhiều học sinh VN như em muốn theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học nhưng điều kiện của VN hiện nay chưa tốt bằng các nước tiên tiến khác. Vậy GS nghĩ gì về cơ hội và khả năng của các học sinh VN trong vấn đề này?”, Đinh Thị Hương Thảo (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định - huy chương vàng Vật lý quốc tế năm 2015) trăn trở. GS George F.Smoot cho rằng đối với học sinh giỏi thì có rất nhiều cơ hội để đến các nước khác du học. Hơn nữa, VN là đất nước có kinh tế đang đi lên nên có nhiều tiền hơn để đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học. Những học sinh giỏi ra nước ngoài thì có rất nhiều cơ hội để học hỏi, nếu như các bạn đó quay về để giúp VN thì đó là một nguồn lực rất quý giá.
“Tôi từng làm việc với học sinh nhiều nước trên thế giới, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... nên tôi nhận ra rằng học sinh VN rất xuất sắc. Các em có niềm đam mê khoa học rất lớn và khi các học sinh VN đặt câu hỏi về khoa học thì họ đưa ra những vấn đề phản biện rất tốt, các em có kiến thức tương đối vững. Tôi nghĩ các em có nhiều phẩm chất để trở thành nhà khoa học trong tương lai”, GS George F.Smoot nói.
Học sinh lớp 4 đặt câu hỏi trăn trở về vũ trụ
Chiều 20.8, tại TP.HCM, GS George F.Smoot đã có buổi nói chuyện và giao lưu với học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên các trường ĐH, THPT ở TP.HCM và các vùng lân cận. Chương trình do Trường ĐH Quốc tế TP.HCM phối hợp cùng Hội Gặp gỡ VN và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Tại buổi giao lưu, học sinh Phạm Minh Anh (9 tuổi), học sinh lớp 4 Trường tiểu học Hoàng Diệu (Q.Thủ Đức), đặt câu hỏi: “Vũ trụ của chúng ta sẽ giãn nở đến khi nào thì kết thúc?”. Câu hỏi khiến nhiều sinh viên ngỡ ngàng và gây được cảm tình đối với vị GS. GS cho biết hiện tại vũ trụ của chúng ta có khi đóng khi mở, chúng ta cần thời gian cũng như dữ liệu cụ thể hơn để biết về số phận của chúng ta trong tương lai.
Nữ Vương
|
Bình luận (0)