Chia sẻ với Thanh Niên sáng 2.8, nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ sự đồng tình trước quan điểm cho rằng, nếu coi thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước thì Q.Hoàn Kiếm là trái tim của thủ đô Hà Nội.
Nếu xảy ra tình huống phải sáp nhập Q.Hoàn Kiếm, mảnh đất có muôn vàn giá trị, ý nghĩa lịch sử, nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ: "Hãy cứu lấy Q.Hoàn Kiếm, trái tim của thủ đô, trái tim của cả nước, bằng cách chia sẻ (cấp thêm) đất các phường thuộc 3 quận lân cận để tăng cường diện tích cho Q.Hoàn Kiếm cho đủ tiêu chuẩn mà các nhà cải cách hành chính hiện đại đặt ra".
Trao đổi với báo chí, PGS - TS Trần Thị Diệu Oanh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam, cho biết với Hà Nội, nếu áp dụng tiêu chí theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 thì các quận nội đô thành phố rất khó đảm bảo được tiêu chí diện tích tự nhiên.
Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập: Người Hà Nội sợ 'rắc rối chuyện giấy tờ'
Do đó, cần phải tính đến các yếu tố đặc thù của thủ đô như chính quyền đô thị, đặc thù trong luật Thủ đô. Ngoài ra, phải tính đến việc quy hoạch của phố cổ vì đã rất lâu đời.
Đánh giá chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết 18 của T.Ư về tinh giảm bộ máy hành chính, song theo bà Oanh, đối với Hà Nội, cần có "lộ trình riêng" vì Hà Nội là thủ đô nghìn năm văn hiến, là "bộ mặt" của cả nước.
"Giờ sáp nhập Q.Hoàn Kiếm với quận bên cạnh thì lấy tên quận thế nào cũng là cả một vấn đề đặt ra. Vì Hoàn Kiếm là quận lâu đời, lại là trung tâm của thủ đô nên phải cân nhắc rất kỹ", bà Oanh bày tỏ.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lại có quan điểm ủng hộ việc sắp xếp đơn vị hành chính đối với Q.Hoàn Kiếm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đồng thời giảm chi phí hành chính vận hành bộ máy nhà nước.
"Nếu chúng ta lấn cấn trước các yếu tố đặc thù liên quan đến lịch sử, văn hóa… thì lại mất cái khác. Một bài học của chúng ta, nếu làm khéo về công tác cán bộ, nhân dân, làm khéo tư tưởng thì chắc chắn vẫn sẽ làm tốt", ông Dĩnh nói.
Theo ông Dĩnh, cách đây khoảng 15 năm, khi sáp nhập tỉnh Hà Tây với Hà Nội, nhiều người cũng nêu ra ý kiến khác nhau. Đó là Hà Tây có văn hóa xứ Đoài, Hà Tây quê lụa…, nếu hợp nhất thì những văn hóa này sẽ mất đi. Tuy nhiên, sau 15 năm hợp nhất tỉnh Hà Tây với Hà Nội, rõ ràng Hà Nội hiện tại vẫn ổn định và phát triển hơn, lại có tiềm lực, nguồn lực để phát triển tiếp.
"Q.Hoàn Kiếm cũng vậy, tất nhiên, khi hợp nhất, sáp nhập thì sẽ có thuận lợi, khó khăn, cũng có tâm tư. Nhưng nếu cứ lưng chừng thì khó nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tinh giản bộ máy để giảm chi phí hành chính…", ông Dĩnh bày tỏ.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra ngày 31.7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, thành phố có Q.Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Thông tin này lập tức thu hút sự quan tâm lớn của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Xem nhanh 20h ngày 6.8: Bất an trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết | Người Hà Nội tâm tư về quận Hoàn Kiếm
Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng, gồm: quần thể di tích hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, tháp Báo Thiên, đền vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Nhà thờ lớn Hà Nội, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân…
Theo số liệu từ năm 2018, Q.Hoàn Kiếm có dân số khoảng 155.900 người; diện tích 5,29 km2. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận về diện tích tự nhiên trong Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 cần đạt từ 35 km2 trở lên.
Tại điều 2 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 quy định, nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cần cân nhắc các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)