Trái đất là ngôi nhà chung của hơn bảy tỷ người trên những vùng đất khác nhau. Mỗi quốc gia thường có những nét văn hóa riêng của mình. Vì thế, điều đúng đắn và có thể làm ở nơi này lại có thể là điều sai trái theo văn hóa ở một nơi khác. Trong bài viết này tôi muốn nói về hai đất nước mà tôi từng trải nghiệm và sinh sống.
Ăn bốc là một nét văn hóa của người Ấn Độ nhưng không được hoan nghệnh tại Việt Nam và nhiều nước khác - Ảnh: Reuters
|
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, cuộc sống của tôi chả khác gì những đứa trẻ bình thường khác. Qua những năm tháng lớn lên và trải nghiệm, tôi học cách ăn, nói và sống như những đồng bào khác của mình. Tôi học dùng đũa và cách tôn trọng người lớn bằng cách chào họ như một ai đó quan trọng mỗi khi gặp. Tôi luôn nghĩ rằng những gì người lớn nói là đúng và thường không hỏi tại sao họ nghĩ như vậy. Khi ở Việt Nam, tôi từng nghĩ rằng ai có hình xăm hoặc tóc nhuộm màu mè là những người không tốt trong xã hội. Tất nhiên, tôi đã giữ suy nghĩ đó cho đến khi tôi đến New Zealand.
Khi sinh sống và học tập ở New Zealand, tôi học được hai điều quan trọng ở văn hóa của họ. Điều thứ nhất đó là bạn không phải cúi đầu và tuyệt đối nghe lời người lớn để chứng tỏ bạn tôn trọng họ. Những điều tôi cần làm là ứng xử với họ một cách thân mật, tôi có thể tranh luận bình đẳng với người lớn nhưng phải cảm ơn hoặc xin lỗi khi cần. Người New Zealand không quan tâm nếu tôi coi họ như bạn và gọi họ bằng tên thân mật. Tôi và các bạn cùng lớp luôn gọi thầy giáo của chúng tôi bằng tên thân mật: Tom.
Điều thứ hai tôi nhận ra là nhuộm tóc màu mè và có hình xăm không liên quan gì đến bản chất của một ai đó. Ở đây mọi người đều có cách làm đẹp của riêng mình và nhuộn tóc xanh đỏ hay xăm trên người chỉ là những cách để làm đẹp. Đây cũng là cách để người ta bộc lộ cá tính và thu hút sự chú ý mà thôi.
Khi tôi mới đến New Zealand, tôi không nói được nhiều tiếng Anh dù tôi đã học tiếng Anh ở Việt Nam. Tôi đã luôn là người đứng chót lớp. Tôi có rất ít bạn lúc mới vào trường vì nhiều người không hiểu cách tôi nói với họ. Tôi cảm thấy mệt mỏi ở trường và đã nghĩ rằng tôi không thuộc về nơi này. Để hòa nhập với môi trường mới tôi đã học cách quan sát mọi người nói chuyện với nhau, cách họ ứng xử trong các tình huống khác nhau và học theo họ trong cả tuần có khi cả tháng cả năm. Cuối cùng tôi cũng có thể mở rộng tầm mắt của mình và mọi chuyện học hành ở trường cũng trở nên tốt đẹp hơn khi tôi có thể hòa mình vào cộng đồng đó. Tôi nhận ra tôi đã trở thành một trong số họ và tôi đã thuộc về nơi này.
Theo tôi bất cứ ai cũng cần hiểu văn hóa của xã hội của đất nước mình đang sinh sống. Xã hội nào cũng vậy, dù bạn là ai, thuộc về giới tính nào đều cần tuân thủ những quy tắc hành xử theo những chuẩn mực xã hội đó đặt ra, đặc biệt là khi bạn ở nơi công cộng.
Ở Việt Nam thường có những quy tắc khá khắt khe đối với phụ nữ, có khi cái cách bạn ngồi cũng có thể bị dùng để đánh giá con người bạn và đó là có thể là lý do vì sao hoa hậu Kỳ Duyên ở Việt Nam lại bị chỉ trích nặng nề vì bức ảnh cô ngủ trong tư thế không đẹp mắt trên máy bay.
Trong xã hội, mỗi người có cách nghĩ riêng của họ vậy nên tôi nghĩ rằng ai cũng cần thận trọng đối với những việc mình làm nơi công cộng, không nên để thiên hạ đánh giá thấp bản thân bạn chỉ vì cách bạn ngồi hay cách bạn ăn uống. Bởi vậy, tùy từng môi trường, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người chúng ta nên có cách ứng xử cho phù hợp như câu thành ngữ của người Anh: “Khi ở La Mã hãy hành xử như người La Mã”, hay như người Việt thường nói: “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”.
Bình luận (0)