Lễ khai trường đã bộc lộ bản chất phản giáo dục, hình thức, đi ngược lại những nguyên tắc của tâm lý giáo dục lẫn tâm lý lứa tuổi.
Những buổi khai trường dài lê thê khiến học sinh mệt mỏi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Lâu nay, nhiều thầy cô, các bậc phu huynh và xã hội bức xúc vì lễ khai giảng mất dần ý nghĩa, không còn là của các em. Thường chỉ một số em được dự, làm bình phong cho bệnh hình thức của người lớn. Các em phải tập dợt, đội nắng, dầm mưa đợi khách và nghe kính thưa dài dòng, kể lể lê thê, cà kê dê ngỗng, từ thời sự thế giới đến trong nước; từ sự quan tâm của lãnh đạo đến thành tích của nhà trường. Nhiều chuyện nghe bằng tiếng Việt mà chẳng hiểu nội dung. Khổ sở như tra tấn nhưng đến phần phát biểu, em nào cũng phải gồng mình “trong không khí vô cùng phấn khởi”, dù nhễ nhại mồ hôi.
Có thể thấy, lễ khai trường đã bộc lộ bản chất phản giáo dục, hình thức và dối trá, đi ngược lại những nguyên tắc của tâm lý giáo dục lẫn tâm lý lứa tuổi.
|
Để có khách mời quan trọng tham dự, không chỉ có quan hệ quen biết, vận động mà cả chung chi cho “cò” lãnh đạo. Đó là những “long trọng viên” nên phải đón tiếp và giới thiệu đầy đủ phẩm hàm, chức tước, học vị... Phải được ngồi trang trọng hàng đầu, quay lưng và che khuất hết học sinh, trong khi các em và thầy cô phải đứng hoặc ngồi bệt dưới đất. Sau lễ khai giảng còn quà cáp, bì thư và mời đi nhà hàng máy lạnh. Báo chí không hiểu cố ý hay vô tình cũng tiếp tay cho tệ nạn này. Năm nào cũng đưa tin, bài về trường này, trường nọ “Tưng bừng phấn khởi, nô nức…” khai giảng năm học mới. Thật ra không thể gọi là “Khai giảng” vì các em đã nhập học cả tháng trước. Phải gọi là “Thông giảng” hoặc “Tiếp giảng” mới đúng. Chẳng báo nào dám phản ánh đúng thực trạng. Các nhà báo cũng là “long trọng viên”, được đối đãi như lãnh đạo.
Nói “Lễ khai giảng của…người lớn” là hơi hồ đồ vì các thầy cô, nhân viên phục vụ và một số phụ huynh cũng chỉ là bình phong hình thức như học sinh. Phải gọi chính xác “Lễ khai giảng của lãnh đạo”, cụ thể là hiệu trưởng và các long trọng viên. Phải làm sao lấy lòng các vị, được lên báo đài để còn thăng tiến hoặc ít nhất là an vị. Thật lòng, không ít hiệu trưởng, nhất là những người từng học ở miền Nam trước 1975, thấy vấn đề nhưng không thể và không dám làm khác vì cả xã hội như vậy. Lâu nay, nhà trường, nơi đào tạo con người, nhân tố quyết định mọi phát triển xã hội, lại thường có những hành xử phản giáo dục. Từ lễ khai giảng, lễ chào cờ (còn gọi là lễ bêu dương), việc kỷ luật học sinh, đuổi học vì nghèo chưa kịp đóng học phí… cho đến việc sơ, tổng kết; phát động thi đua. Cái gì cũng 100%, cái gì cũng toàn diện, cũng hoàn hảo.
Hãy để các em học sinh là nhân vật chính của lễ khai trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Rất nhiều việc, ngành giáo dục tự làm khổ mình. Từ chỉ tiêu phi lý đến danh hiệu thi đua, sáng kiến kinh nghiệm, giáo án… Giáo dục ở miền Nam trước 1975 đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Không có các đoàn thể hỗ trợ (nhưng có khi làm khó thêm), cũng không thi đua làm khổ nhau. Khai giảng là ngày hội thật sự của học sinh. Đứa nào cũng náo nức đợi khai giảng để trở lại trường sau mấy tháng hè gián đoạn; được gặp lại bè bạn, thầy cô. Không phải kịch mà cần tập dợt trước. Buổi lễ ngắn gọn mà trang trọng, ấn tượng và thực chất.
Mọi tệ nạn xã hội hiện nay đều do con người mà ra. Do vậy, muốn thay đổi, phải bắt đầu từ giáo dục, từ nhà trường. Việc quan trọng và có thể làm ngay là trả ngày khai giảng lại cho các em. Đó phải là ngày tựu trường náo nức và phấn khởi của học sinh đúng nghĩa. Hãy đoạn tuyệt với những cách làm phản giáo dục trong nhà trường. Khó nhưng vẫn có thể làm được. Thay đổi để vươn lên hoặc ngày càng tụt hậu với thế giới. Không còn sự lựa chọn nào khác.
Bình luận (0)