Chỉ trong 10 ngày bỗng dưng những đứa trẻ phải đứng trước một ngọn núi dựng đứng những cam go mà các em chưa bao giờ tưởng tượng, chúng ta thử nghĩ xem, các em sẽ tiếp tục sống thế nào?
Vậy mà thảm cảnh không chỉ xảy đến cho một gia đình, cho 4 chị em, thảm cảnh tràn ngập cuộc đời của hơn 1.500 đứa trẻ mất cha mất mẹ do đại dịch.
Một người bạn già của tôi nói trong nước mắt: “Nhân dân ta sao mà khổ quá vậy trời?”…
Tôi im lặng, và chỉ biết nói thêm: “Những người đang sống chúng ta hãy dang rộng vòng tay ôm lấy các em bé”.
Đây là lúc cả dân tộc, cả cộng đồng phải đứng cạnh các em bé mồ côi, con số những em mất cha mất mẹ sẽ còn tăng nữa, vì chưa có tổng kết trong cả nước, chưa lường hết mỗi ngày thảm họa sẽ cướp đi bao nhiêu người cha người mẹ nữa của các em.
Nhưng khi tôi đọc lời nguyện thề của 4 em nhỏ trước bàn thờ cha mẹ: “Tụi con sẽ sống thật tốt, không để ông bà lo lắng, cha mẹ đi yên lòng!...”, thì tôi hiểu hơn 1.500 em bé bỗng chốc mất cha mất mẹ này sẽ cần những gì để can đảm đối mặt với những tháng ngày sắp tới, đối mặt với cuộc đời muôn vàn khó khăn trắc trở mà từ nay các em sẽ phải tập làm quen.
Và tôi đọc trên Báo Thanh Niên lời kêu gọi thiết tha này: “Trong đại dịch Covid-19, nhiều bậc phụ huynh là trụ cột gia đình, là nguồn sống bảo bọc nuôi nấng con cái đã ra đi, để lại một khoảng trống bơ vơ đối với các em trong cuộc đời này, phải sống nương tựa vào những mối quan hệ thân thích. Định mệnh đã đẩy đưa nhiều gia đình vào cảnh khắc nghiệt khốn cùng như vậy, không ai hình dung nổi”.
Chưa bao giờ có một lời kêu gọi nào trên Báo Thanh Niên mà lại xót xa đến vậy. “Báo Thanh Niên không ngần ngại kêu gọi quý bạn đọc gần xa, quý nhà hảo tâm dang rộng vòng tay đón nhận, bảo trợ để giúp các em được tiếp tục sống, học tập như ý nguyện của các bậc phụ huynh đã không may vì đại dịch mà khuất bóng”.
Hai từ “bảo trợ” đã nói lên tất cả tâm nguyện cộng đồng trước nỗi bất hạnh của hàng nghìn em nhỏ mồ côi.
Tất cả chúng ta hãy trở thành những người thân thích của các em bé mồ côi!
Hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn trong Báo Thanh Niên, anh chia sẻ, có một người bà đã 86 tuổi gọi điện tới báo xin được nuôi một cháu bé mồ côi, nuôi tới khi cháu trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Bà nói thêm, “nếu giữa đàng tôi có mệnh hệ gì, thì con tôi sẽ tiếp tục trách nhiệm tình nghĩa này”.
Người bà, người chị ấy hóa ra rất thân quen với tôi thuở cùng ở Quy Nhơn, và chị là tác giả phần lời thơ của một ca khúc rất nổi tiếng viết về xứ Huế.
Bây giờ người ta hay nói “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”, còn tôi nghĩ, với câu chuyện bảo trợ trẻ em mồ côi này, cả cộng đồng dân tộc Việt Nam sẽ cùng vào cuộc, và sẽ không để “một em bé nào bị bỏ lại phía sau” như lời chúng ta vẫn nghe hằng ngày trên truyền thông.
Bình luận (0)