Hãy xóa bỏ định kiến về tình dục, sinh viên cần được giáo dục giới tính

10/10/2016 10:15 GMT+7

Đã đến lúc báo động vấn đề sinh viên thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục. Các nhà tâm lý, giáo dục, xã hội cần cùng nghiên cứu một cách khoa học về những bộ sách hướng dẫn về vấn đề này.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai. Việt Nam trong nhóm nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số đau lòng này là việc thiếu kiến thức về giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản trong giới trẻ.
Để kết thúc tuyến bài: #GIẬT MÌNH CHUYỆN 'YÊU' CỦA SINH VIÊN, Thanh Niên trân trọng gởi đến quý bạn đọc những cảnh báo, kiến nghị của giới chuyên gia nhằm giảm thiểu và tiến đến chấm dứt tình trạng tụt hậu về kiến thức sức khỏe sinh sản, giới tính của giới trẻ Việt Nam.

Hiện nay tình trạng quan hệ tình dục của sinh viên ngày càng sớm trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục lại chưa được trang bị đầy đủ. Chính điều này đã dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng. Vậy làm thế nào để “vá” lại những lỗ hổng ấy?

Nhiều hệ lụy khôn lường

Đơn cử như ngày 13.3.2015, N.T.N. (quê Hà Nam) khi đó là sinh viên của một Trường Cao đẳng Y tại Hà Nội, đang trong giai đoạn thực tập tại một bệnh viện tâm thần H.Mỹ Đức (Hà Nội) đã vứt thai nhi mới sinh ra từ tầng 3. Khi được cơ quan công an triệu tập, nữ sinh này cho biết vì lỡ mang bầu, sợ gia đình và mọi người biết nên giấu chuyện. Khi có dấu hiệu chuyển dạ đã bỏ việc thực tập chạy về nhà trọ, lên nhà vệ sinh ở tầng 3 để đẻ. Sau khi phát hiện thai nhi đã chết, vì quá hoảng loạn đã vứt xuống khu vườn nhà dân liền kề.

Thạc sĩ tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn, cho biết suốt thời gian qua, rất nhiều những trường hợp nữ sinh viên trở thành mẹ hay những cái chết thương tâm bởi bản thân vướng vào con đường tình yêu, tình dục quá sớm… chính là hệ quả tất yếu từ việc các trường xem nhẹ và ngó lơ chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho sinh viên.

Yêu đương quá sớm khiến giới trẻ vướng vào nhiều câu chuyện thương tâm Ảnh minh họa Shutterstock

Và cũng vì lỗ hổng kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục dẫn đến việc rất nhiều sinh viên đã mang thai ngoài ý muốn, tình trạng hút nạo phá thai của người trẻ, đặc biệt là với giới sinh viên gia tăng, hoặc những hôn nhân bất khả kháng, những vụ ly hôn diễn ra chóng vánh, những đứa trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa, hoặc các bệnh tật truyền nhiễm gia tăng, hiểm hoạ HIV/AIDS… cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này.

Theo Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, thì việc sinh viên thiếu những kiến thức cần thiết về tình dục, dễ mắc các bệnh về lây nhiễm, hiểu sai lệch về cách phòng tránh thai. Đặc biệt dễ gặp những tình huống oái ăm, những tai nạn như trường hợp của hai sinh viên sử dụng bao ni lông để quan hệ tình dục.

Xã hội và cả gia đình cần có cái nhìn thoáng hơn, chính xác hơn trong việc giáo dục giới tính. Hãy vẽ đường cho hưu chạy đúng, chứ đừng để hưu tự chạy, vì tự chạy lung tung sẽ hốc vô đá dẫn đến những tổn thương
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM) thì nói: “Rất đáng buồn khi sinh viên thiếu những kiến thức về tình dục. Vì điều này khiến sinh viên không biết cách bảo vệ bản thân, mang thai ngoài thai ngoài ý muốn. Sinh viên phải rơi vào hoàn cảnh éo le: giữ đứa con thì dễ dở dang việc học, gặp những trục trặc trong cuộc sống, theo đó định hướng cuộc đời cũng dễ dang dở. Còn nạo phá thải ảnh hưởng thể lý và tâm lý của sinh viên về sau. Tóm lại, sẽ ảnh hưởng rất nặng nề”.

Sẽ có nhiều trường hợp oái ăm và bi hài hơn

Theo các chuyên gia, không khó để cải thiện tình trạng thiếu hụt kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục trong sinh viên nếu các bên liên quan đều chung tay, nỗ lực thay đổi.

Ông An cho rằng câu chuyện hai sinh viên ở Hà Nội dùng túi ni lông thay bao cao su để quan hệ tình dục chính là minh chứng rõ nét nhất, phản ánh trung thực về nhận thức của sinh viên hiện nay.

Thế nhưng, thật đáng buồn vì hiện nay dường như chưa có trường lớp cụ thể nào chỉ dẫn cho sinh viên về vấn đề tình dục. Chủ yếu là thông qua các hoạt động tự phát của trường, chứ chưa có tính hệ thống. Điều này dẫn đến sinh viên phải tự tìm hiểu kiến thức tình dục qua các kênh thông tin khác, như internet.

Trong khi những nguồn này không phải chính thống, khiến sinh viên thiếu hụt kiến thức nghiêm trọng, đáng buồn là kiến thức này nằm trong những nhu cầu cơ bản của con người. “Chính vì thế, sinh viên đã trải nghiệm một cách sáng tạo và tự phát là điều tất yếu”, ông An nói.

Chưa có trường lớp cụ thể nào chỉ dẫn cho sinh viên về vấn đề tình dục Ảnh minh họa Shutterstock
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này, nếu các trường không có các chương trình cụ thể, chắc chắn sẽ có nhiều trường hợp oái ăm hơn, bi hài hơn sẽ xảy ra trong thời gian sắp đến.

Còn bà Hằng cho biết sinh viên hiện nay đang thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Do vậy, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản là một trong những vấn đề cốt lõi quyết định sự phát triển toàn diện về nhận thức cho sinh viên.

Ông Duy cũng nói, tâm lý chung của người Việt Nam còn dè dặt trong vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục, người lớn nghe con trẻ nói về tình dục là việc xấu. Chính điều đó khiến người trẻ giấu giếm. Bên cạnh đó phụ huynh cũng có quan niệm sợ vẽ đường cho hưu chạy, không cho con cái hiểu biết vấn đề này từ nhỏ… Và đã dẫn đến những câu chuyện buồn như đã xảy ra.

"Hãy vẽ đường cho hưu chạy đúng, đừng để hưu tự chạy!"

Ông An đề xuất: “Đã đến lúc gióng hồi chuông báo động về việc sinh viên thiếu hụt kiến thức sức khỏe sinh sản và tình dục. Các nhà tâm lý, giáo dục, xã hội cần cùng nhau tham gia nghiên cứu một cách bài bản, khoa học và có lộ trình về những bộ sách hướng dẫn về vấn đề này một cách có hệ thống, và cần được dạy cho học sinh ngay từ bậc THCS. Dựa vào tâm lý từng độ tuổi để hướng dẫn những kỹ năng sao cho phù hợp, như HS lớp 6 thì cần biết gì, HS lớp 7 thì nên học những gì, học sinh lớp 8 thì nên hiểu thêm vấn đề gì…”, ông An nói.

Cũng theo ông An, phụ huynh cần thay đổi thói quen lảng tránh khi nói về vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục với con em mình. “Có bạn trẻ tâm sự với tôi khi thắc mắc với bố mẹ về những chuyện nhạy cảm, liền bị bác bỏ: 'lớn lên rồi sẽ hiểu, sẽ biết'. Đây là quan điểm sai lầm, thay vào đó hãy chia sẻ và hướng dẫn cho con”, ông An nói.

Ông Duy thì cho rằng để những câu chuyện “sử dụng túi ni lông thay bao cao su để quan hệ tình dục” không còn nữa, điều tiên quyết là phải giáo dục, cung cấp kiến thức cho thanh thiếu niên và phải giáo dục từ nhỏ. Và giáo dục không dừng lại ở chuyện chỉ mô tả, nói sơ sơ, qua loa kiểu ứng phó mà phải cung cấp thật kỹ cho sinh viên những kỹ năng, những biện pháp phòng tránh thai…

Và giáo dục cần cung cấp những biện pháp phòng tránh thai thiết thực cho sinh viên Ảnh minh họa  Shutterstock

Bên cạnh đó, các trường nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản và tình dục cho sinh viên, thường xuyên phát tài liệu về vấn đề này cho sinh viên. Hoặc tổ chức các CLB chuyên về mảng này, hay tổ chức các hoạt động ngoại khóa để lồng ghép kiến thức này hướng dẫn cho sinh viên.

“Xã hội và cả gia đình cần có cái nhìn thoáng hơn, chính xác hơn trong việc giáo dục giới tính. Hãy vẽ đường cho hưu chạy đúng, chứ đừng để hưu tự chạy, vì tự chạy lung tung sẽ hốc vô đá dẫn đến những tổn thương”, ông Duy hiến kế.

Trước khi chờ đợi những sự thay đổi trong việc dạy, hướng dẫn sinh viên những kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục, theo ông An, sinh viên cần tự mình “chữa cháy” bằng cách tìm đến những địa điểm như: Trung tâm truyền thông và Sức khỏe sinh sản, các Nhà văn hóa Thanh Niên, Sinh viên, Phụ nữ… để tham gia các chuyên đề về vấn đề này theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.