Hazard làm sống lại một đề tài vĩ đại

14/10/2023 09:09 GMT+7

Khoảng 30 năm trước, một cậu bé có tên là Robert Pires đã bị cô giáo phạt vì "cứng đầu", nhưng cậu bé thà bị phạt và nhận điểm 0, chứ không thay đổi suy nghĩ. Đề tài làm văn khi ấy: em hãy viết về một nghề. Cậu bé viết về bóng đá. Cô bắt viết lại, vì "bóng đá là một trò chơi, không phải một nghề". Pires quả quyết: "Bóng đá là một nghề"!

Vài chục năm sau, Giám đốc Uli Hoeness nhấn mạnh trên mặt báo về cái điều mà ông cho là "lỗ hổng kiến thức" của các cầu thủ. Khi ấy, đội Bayern Munich của ông vừa có trận thua, và báo lá cải đăng ảnh các cầu thủ Bayern đang thưởng thức món tôm càng trong một nhà hàng sang trọng. Hoeness tỏ ra khó chịu. Oliver Kahn phản kháng: nếu Hoeness nghĩ rằng không ăn tôm càng sẽ thắng, thì đấy là việc của ông. Hoeness lên báo bình luận: "Các cầu thủ không ý thức được rằng bóng đá là một nghề khắc nghiệt. Tập luyện và đá bóng là công việc cực nhọc".

Hazard làm sống lại một đề tài vĩ đại - Ảnh 1.

REUTERS - ĐỒ HỌA: MINH TƯỞNG

Tóm lại, bóng đá là trò chơi hay công việc, là một loại hình nghệ thuật hay thậm chí là một vấn đề sống còn? Tất nhiên còn tùy góc nhìn, cũng tùy từng hoàn cảnh cụ thể. Đấy là một đề tài hay đã tồn tại suốt trăm năm qua. Cậu bé Edson, mà sau này thế giới gọi là vua bóng đá Pele, khóc vật vã khi Brazil thua Uruguay trong trận đấu quyết định chức vô địch World Cup 1950. Ngay trong sự kiện ấy, cậu bé Garrincha, mà sau này sách báo viết rằng dân Brazil hâm mộ hơn cả Pele, chỉ thản nhiên câu cá và thắc mắc tại sao người ta có thể khóc vì một trận bóng đá!

Trong bóng đá, có những danh thủ thi đấu trước tiên vì niềm vui của chính mình, mà Johan Cruyff là một hình mẫu. Có những ngôi sao thi đấu vì khán giả, như Michel Platini. Lại có cả mẫu cầu thủ thi đấu vì… ban huấn luyện. Rất đơn giản: làm sao để được HLV trưởng cho điểm tốt là xong việc. Tiêu biểu cho mẫu này chính là Uli Hoeness trong thập niên 1970, để rồi đến khi ngồi ghế giám đốc thì ông nhấn mạnh rằng bóng đá là công việc cực nhọc. Ngày xưa, tiền lương từ môn bóng đá không quá nhiều, nên mỗi người chơi bóng theo quan điểm riêng, mục đích riêng của mình. Bây giờ lại là thời kỳ mà các hợp đồng chuyển nhượng dễ dàng đạt mức 100 triệu euro, tiền lương được tính theo tuần, bằng lương cả năm trong những nghề khác, thì bóng đá hẳn nhiên đã là một nghề quan trọng, là ngành kinh doanh trong tuyệt đại đa số trường hợp.

Trừ Eden Hazard!

Eden Hazard là ngôi sao vào loại lớn nhất trong lịch sử bóng đá Bỉ, là cựu danh thủ Chelsea, được bán sang Real Madrid với giá 100 triệu euro. Anh lĩnh mức lương 400.000 euro/tuần, theo bản hợp đồng có thời hạn đến tháng 6.2024. Nhưng bây giờ, Hazard đã tuyên bố giải nghệ, gần 1 năm sau khi chia tay đội tuyển Bỉ, và khoảng 3 tháng sau khi đồng ý kết thúc sớm hợp đồng với Real. Ở tuổi 32, Hazard cảm thấy không còn niềm vui chơi bóng nữa. Chỉ đơn giản như thế. Nên nhớ: một năm "không cần thi đấu" của Hazard cũng có thể đem về cho anh hàng chục triệu euro, theo hợp đồng đã ký!

Ai xem bóng đá cũng đã biết rõ đẳng cấp kỹ thuật, tính sáng tạo, kỹ năng và tầm nhìn của Hazard trên sân, không cần giới thiệu gì nữa. Anh là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong thế hệ của mình. Nhưng Hazard chơi bóng trước tiên là vì niềm vui. Mức lương hàng chục triệu euro mỗi năm là phần thưởng xứng đáng, hơn là mục tiêu mà Hazard hướng tới khi chơi bóng. Anh thấy chiến thắng quan trọng hơn đồng tiền, và niềm vui chơi bóng quan trọng hơn chiến thắng. Giới săn tin thân cận với các đội bóng của Hazard xưa nay thừa nhận: anh tập không nhiều. Anh không thích tập, càng không bao giờ hào hứng với khái niệm khổ luyện.

Hazard đã xuống phong độ, hết thời từ khi chuyển sang Real? Vâng. Nhưng vấn đề ở đây là anh không còn cảm xúc, niềm vui để chơi bóng nữa. Thay vì cố tập để lấy lại phong độ, anh tuyên bố giải nghệ. Đấy là quyết định đáng được tôn trọng. Và đấy là cách suy nghĩ hiếm hoi còn sót lại từ cả một trường phái nổi tiếng trong thời kỳ bóng đá xa xưa: chơi bóng vì niềm vui. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.