Sáng 12.10, UBND H.Bình Chánh, TP.HCM họp mặt kỷ niệm 20 năm ngày doanh nhân Việt Nam và gặp gỡ, đối thoại cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện.
Ông Huỳnh Cao Cường, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh cho biết các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn không ngừng nỗ lực, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Tính đến ngày 4.10, thu ngân sách của H.Bình Chánh đạt 2.914 tỉ đồng, đạt 116% kế hoạch năm 2024, trong đó thuế công thương nghiệp đạt 732 tỉ đồng, tiền sử dụng đất đạt 1.411 tỉ đồng (đạt 157% kế hoạch năm).
Ông Cường khẳng định huyện luôn đồng hành, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ dứt điểm 9 khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp năm 2023.
Các ngân hàng trên địa bàn huyện triển khai các chính sách hỗ trợ 2.756 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi gần 7.700 tỉ đồng, chi cục thuế giảm 160 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng, hơn 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho gần 900 trường hợp với tổng số tiền 26 tỉ đồng.
Lãnh đạo địa phương mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng góp các giải pháp mang tính đột phá đối với công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Bình Chánh cần sớm chuyển đổi đất nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn Cẩm, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Uyên Phát cho biết H.Bình Chánh có quỹ đất lớn nhưng đa phần là đất nông nghiệp. Năm 2024, thu ngân sách của huyện chủ yếu từ công thương nghiệp lớn, còn lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đất nông nghiệp trên địa bàn ít canh tác, bị bỏ hoang nhiều.
Ông Cẩm cho biết trước đây ở Q.2 (nay là TP.Thủ Đức) và Q.7 là đầm lầy, đất ruộng, ao hồ nhưng sau khi chuyển đổi đất sang công nghiệp, thương mại dịch vụ thì phát triển rất mạnh. Như tại H.Bình Chánh, tiền sử dụng đất hơn 1.400 tỉ đồng là minh chứng để lãnh đạo huyện triển khai nhanh, tận dụng cơ hội được phân quyền, làm lại quy họach, chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ để phát triển nhanh và mạnh.
Cũng tại hội nghị, một số doanh nghiệp bày tỏ trình tự, thủ tục triển khai một dự án thường kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cơ quan, có khi mất 2 - 3 năm. Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất chính quyền huyện cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thuận lợi cho việc sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, làm đường ven sông.
Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh thông tin về tiến độ dự án Vành đai 3, đoạn qua Bình Chánh, khi hoàn thành kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành thì huyện sẽ trở thành đô thị.
Về công tác quy hoạch, huyện đã đề xuất điều chỉnh, cập nhật quy hoạch để phát huy lợi thế về đất đai. Dù vậy, ông Thanh nêu rõ luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, sắp tới TP.HCM ban hành bảng giá đất điều chỉnh tiếp cận thị trường thì yếu tố tiền sử dụng đất giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh nữa. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy hoạch để đầu tư, kinh doanh.
Ông Thanh cũng cho biết sắp tới, Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư H.Bình Chánh sẽ chủ động hơn nữa, không chờ nhà đầu tư đến mà sẽ tìm đến nhà đầu tư tiềm năng để giới thiệu, xúc tiến đầu tư. Trung tâm này cũng sẽ là đầu mối giải quyết hồ sơ, doanh nghiệp không phải đi từng phòng ban nữa, đối với những việc thuộc thẩm quyền sở ngành thì trung tâm cũng sẽ hỗ trợ đeo bám.
Trước đề xuất làm đường ven sông, ông Thanh cho biết huyện đã hoàn chỉnh đề án đường ven sông Chợ Đệm, phía bờ tây đoạn từ cầu Bình Điền đến cầu Chợ Đệm. Huyện đã làm lại quy hoạch, đăng ký làm vốn làm bờ kè, đường giao thông.
"Nơi đây có thể phát triển thương mại, dịch vụ và nhà ở, giống như mô hình đường ven sông Sài Gòn quy mô nhỏ", Chủ tịch H.Bình Chánh chia sẻ.
Bình luận (0)