HĐND TP.Đà Nẵng phải giám sát tiến độ hỗ trợ cho người dân khó khăn do Covid-19

22/08/2021 21:46 GMT+7

Tại cuộc họp giao ban công tác phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 22.8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu HĐND TP cần giám sát tiến độ chi trả hỗ trợ người dân khó khăn do Covid-19.

Tiến độ chi trả chậm

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, công tác hỗ trợ phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ người dân thì số người được thụ hưởng và tiến độ quá chậm.
Đối tượng theo Nghị quyết 68 (về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19), số người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hiện được hỗ trợ có tổng cộng 625 người.
“Trong khi đó, tại TP có đến vài chục ngàn người. Hỗ trợ người lao động ngừng việc chỉ 1 người với 1 triệu đồng. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện trợ cấp là 46 người, trong khi TP có rất nhiều trường hợp. Hỗ trợ kinh doanh chỉ có 71 hộ”, ông Triết dẫn lại số liệu.
Ông Triết cũng cho biết, HĐND TP đã ủy thác 100 tỉ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP.Đà Nẵng cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay để vượt qua khó khăn, nhưng “tiến độ quá chậm”.
“Đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP báo cáo nguyên nhân vì sao. Đề nghị HĐND TP giám sát ngược từng xã phường, từng đơn vị, truy ra những đối tượng đáng được hưởng nhưng tại sao không được hưởng. Chứ không phải đổ thừa Covid-19 mà hàng loạt chính sách chúng ta đưa ra rất hay, rất tốt, kể cả T.Ư nhưng tiến độ làm thế này thì quá chậm. Các địa phương, Sở LĐ-TB-XH phải rà lại việc này. Như thế là không ổn lắm!”, ông Triết nhấn mạnh.

Vừa qua, Đà Nẵng ban hành gói hỗ trợ 100 tỉ đồng trong đó có hỗ trợ cho người bán vé số

Ảnh: HOÀNG SƠN

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.Đà Nẵng, cho biết thêm hiện nay có những nội dung mà Ngân hàng CSXH TP không thể cho vay được. Bởi vì, những đối tượng cho vay bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nghỉ sản xuất 14 ngày, nhưng khi đối chiếu lại thì ngành du lịch như khách sạn, kinh doanh… lại cho hoạt động nhưng không hoạt động được, nên không thể nào cho vay. Ngoài ra, doanh nghiệp tại khu công nghiệp cũng cho hoạt động nên cũng không thuộc đối tượng Ngân hàng CSXH TP cho vay.
Theo ông Hoàng, hiện cơ bản các nội dung do xã, phường tổ chức thực hiện như chi trả cho các đối tượng không có giao kết hợp đồng đã trả hơn 10 tỉ đồng.
“Về việc hỗ trợ cho công nhân ở ngoài khu công nghiệp thì phụ thuộc vào bảo hiểm. Bảo hiểm xử lý chuyển sang thì Sở mới xử lý tiếp được. Bảo hiểm không triển khai thì Sở không làm được”, ông Hoàng nói.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã đề nghị Sở LĐ-TB-XH báo cáo lại vấn đề này và làm việc với đơn vị bảo hiểm để xử lý.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thống nhất với việc cần phải có sự giám sát trong việc chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19. Theo đó, Bí thư Đà Nẵng đề nghị HĐND TP giám sát và có báo cáo cho Thường trực Thành ủy nắm.

Vì sao có kết quả dương tính giả khi xét nghiệm Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 9

Quận Hải Châu là “tâm dịch mới của TP”

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện nghiên cứu kỹ báo cáo tình hình dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) trong 6 ngày qua. Qua đó, đánh giá nguy cơ từng khu vực, xã phường và khu dân cư trên địa bàn.

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng yêu cầu phải triển khai tốt việc lấy mẫu xét nghiệm toàn dân trong những ngày tới

Ảnh: HOÀNG SƠN

Ông Quảng cho hay, 6 ngày vừa qua TP đã phát hiện 969 ca dương tính, trong đó có 173 ca qua xét nghiệm hộ gia đình, 107 ca trong khu vực phong tỏa. “Phong tỏa vẫn là nằm trong cộng đồng. Hiện nay, Q.Hải Châu có số lượng ca cộng đồng cao nhất trong tất cả các quận, huyện, cho thấy Hải Châu là tâm dịch mới của TP. Bên cạnh đó, có Q.Cẩm Lệ và Q.Thanh Khê. Tôi đề nghị nghiên cứu kỹ để đánh giá đúng và có chiến lược về mặt xét nghiệm trong thời gian tới, nhất là trong việc tổ chức xét nghiệm lần thứ 3”, ông Quảng chỉ đạo.
Ông Quảng cũng yêu cầu Sở Y tế và CDC Đà Nẵng phải làm việc với các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê để bàn chiến lược về việc xét nghiệm. Cần phải có thay đổi đặc biệt với Q.Hải Châu, nhất là P.Hòa Cường Nam để sớm ngăn ngừa và cắt giảm số ca dương tính trên địa bàn này. "Tại vì ở đây có chợ đầu mối Hòa Cường nên bà con đi chợ này rất nhiều, số ca dương tính ở phường này cao”, ông Quảng nói.

Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 9

Ông Lê Trung Chinh cũng đánh giá, công tác xét nghiệm đã đạt được một số kết quả và đã rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế. "Việc xét nghiệm lần thứ 3 này có ý nghĩa rất lớn đối với TP. Phải tính toán hoàn thành kế hoạch nhưng phải đảm bảo về mặt chuyên môn để nhân dân an toàn”, ông Chinh nhấn mạnh.
Ông Lê Trung Chinh cho biết từ ngày mai 23.8, TP.Đà Nẵng cho shipper hoạt động trở lại nên các địa phương và lực lượng phòng chống dịch giám sát chặt chẽ; đến nay, mọi công tác chuẩn bị như xét nghiệm, cấp thẻ, đồ bảo hộ… cho shipper đã hoàn tất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.