Những tài liệu được khai quật từ một ngôi làng có niên đại vào thời Tân Vương quốc Ai Cập (3.100 – 3.600 năm trước) cho thấy xã hội Ai Cập cổ đại đã duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo những người xây mộ cho pharaoh làm việc thật sự hiệu quả, theo trang The Conversation dẫn lời trợ lý giáo sư Anne Austin của Đại học Missouri-St. Louis (Mỹ).
Lao động tay nghề cao
Làng Deir el-Medina được xây dựng dành riêng cho những người xây các ngôi mộ hoàng gia vào thời Tân Vương quốc Ai Cập (năm 1550-1070 trước công nguyên). Trong giai đoạn này, các pharaoh được chôn cất tại Thung lũng của các vị vua, chứ không phải từng kim tự tháp riêng biệt như trong quá khứ.
Những người làm việc tại đây thường là nhóm thợ thủ công có tay nghề cao và họ được cung cấp nhiều tiện nghi, cho phép đạt năng suất cao khi làm việc.
Cụ thể, các người thợ được trả thù lao thông qua lương thực, có nhà và người phục vụ hỗ trợ những công việc như giặt giũ, lấy nước, nghiền ngũ cốc. Họ được phép mang theo gia đình cư ngụ tại làng, và vợ con đều được nhận trợ cấp từ nhà nước.
Nghỉ bệnh được trả lương
Theo những gì được ghi chép, gần 1/3 số “đơn xin vắng mặt” là khi người lao động bị bệnh. Và để họ yên tâm dưỡng bệnh, nhà nước vẫn chi trả lương lậu đàng hoàng trong những ngày họ không để đi làm.
Danh sách lao động cũng xuất hiện tên của “bác sĩ”. Người này có trợ tá và cả hai bận rộn chăm sóc sức khỏe cho nhóm thợ thủ công. Dựa trên “sổ khám bệnh” làm từ giấy cói, “bác sĩ” đã kê đơn cho các bệnh nhân tại làng Deir el-Medina.
Cũng giống như ngày nay, một số biện pháp trị liệu vào thời Ai Cập cổ cần các vị thuốc đắt đỏ và hiếm, nhưng đa số vẫn dùng những loại phổ biến như là mật ong, mỡ.
Một văn bản được tìm thấy tại làng Deir el-Medina cho thấy nhà nước đã chia phần các vật liệu chữa bệnh phổ biến cho một số người, để họ có thể chia sẻ với những người khác.
Bình luận (0)