Một vụ phóng tên lửa đẩy của Trung Quốc từ Hải Nam |
Reuters |
“Họ đã phóng tên lửa tầm xa. Nó bay quanh trái đất và thả một thiết bị lướt bội siêu thanh. Thiết bị đã lướt trở về Trung Quốc và tác động đến mục tiêu tại Trung Quốc”, tướng Hyten, nhân vật số 2 trong quân đội Mỹ, trả lời phỏng vấn CBS News.
Khi được hỏi vũ khí có trúng mục tiêu hay không, ông Hyten đáp rằng nó đã bay đến “đủ gần”.
Khác với tên lửa đạn đạo liên lục địa - loại vũ khí bay theo quỹ đạo có thể đoán được và có thể theo dõi bằng radar tầm xa, vũ khí bội siêu thanh bay thấp hơn trong bầu khí quyển với vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh và khó bị radar phát hiện.
Tên lửa bội siêu thanh của Trung Quốc làm bất ngờ tình báo Mỹ? |
Vụ phóng diễn ra vào ngày 27.7 và được so sánh với “khoảnh khắc Sputnik”, sự kiện phóng vệ tinh của Liên Xô vào năm 1957 khiến Mỹ hoàn toàn bất ngờ.
Ông Hyten đánh giá về khía cạnh công nghệ, cuộc thử nghiệm của Trung Quốc khá ấn tượng nhưng vệ tinh Sputnik của Nga tạo ra cảm giác cấp bách cho Mỹ trong việc phát triển công nghệ để bắt kịp, trong khi vụ thử nghiệm của Trung Quốc thì không.
Tuy nhiên, ông Hyten nhận định loại vũ khí bội siêu thanh này cùng với hàng trăm hầm ngầm chứa tên lửa mới được Trung Quốc xây dựng có thể giúp nước này đạt được năng lực tấn công hạt nhân bất ngờ nhắm vào Mỹ. “Chúng giống như vũ khí để tấn công đầu tiên”, ông Hyten nói.
Điều đó được cho là gây phá hủy cán cân hạt nhân mà Mỹ và Nga duy trì trong nhiều chục năm qua, theo đó, hai bên đảm bảo không bên nào có năng lực thực hiện cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên thành công.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh trong khi Mỹ chỉ có 9 lần, theo ông Hyten. Vị tướng tiết lộ Trung Quốc đã triển khai một loại vũ khí bội siêu thanh tầm trung trong khi Mỹ vẫn phải mất vài năm nữa mới có thể triển khai loại đầu tiên.
Bình luận (0)