Ngày 13.1, nguồn tin Thanh Niên cho biết C03 đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 15 bị can về tội “buôn lậu” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là vụ án nằm trong diện theo dõi của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng.
Công ty Nhật Cường được thành lập từ năm 2001, có trụ sở chính tại phố Lý Quốc Sư (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật. Dù ngành nghề chính trong đăng ký kinh doanh là buôn bán thiết bị, linh kiện điện tử viễn thông, nhưng dưới sự chỉ đạo của Huy, công ty này mua số lượng lớn hàng hóa của các nhà cung cấp tại nước ngoài, rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam. Huy đã chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán rồi sử dụng nguồn tiền là lợi nhuận xây dựng phần mềm để bán cho các đơn vị, tổ chức.
Huy đã bị khởi tố cả 4 tội danh, gồm: “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, do bị can Bùi Quang Huy bỏ trốn, đang bị truy nã nên C03 mới làm rõ được các hành vi “buôn lậu” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Huy và đồng phạm.
Buôn lậu xuyên quốc gia
Theo KLĐT, từ năm 2014 đến ngày 9.5.2019 (thời điểm thực hiện khám xét khẩn cấp), Công ty Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 16 nhà cung cấp nước ngoài; mua 255.311 điện thoại di động iPhone các loại, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác, với tổng trị giá 2.927 tỉ đồng...
Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch, mà chi 72 tỉ đồng thuê các đối tượng vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp và tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.
Chỉ tính riêng một nhánh vận chuyển hàng lậu qua đường hàng không của đường dây này, từ tháng 1.2016 - 11.2017, phía Công ty Nhật Cường đã tổ chức vận chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam qua sân bay Nội Bài (với thủ đoạn lập khống hồ sơ hải quan) 322 đơn hàng, với 40.000 sản phẩm, tổng trị giá 549 tỉ đồng, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi 39 tỉ đồng.
Một “chân rết” khác trong đường dây này cũng được xác định trong thời gian từ tháng 11.2017 - 9.2018 đã vận chuyển trái pháp luật 183 đơn hàng, với 16.976 sản phẩm, tổng trị giá 307 tỉ đồng từ Hồng Kông về Việt Nam theo đường hàng không qua sân bay Nội Bài, giúp Bùi Quang Huy và đồng phạm hưởng lợi 20 tỉ đồng…
Theo KLĐT, để đưa hàng lậu qua đường hàng không, các bị can trong vụ án đã lập các công ty “ma”, mở vận đơn nhập khẩu hàng có thuế suất thấp, nhưng thực chất hàng hóa là các thiết bị viễn thông đắt tiền.
Doanh thu ngàn tỉ, đóng thuế nhỏ giọt
KLĐT cũng xác định, trong thời gian trên, Huy đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường và Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường, lập và sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán. Một hệ thống ghi nhận thực tế toàn bộ hoạt động nhưng để theo dõi nội bộ. Hệ thống thứ 2 để lập số liệu báo cáo tài chính và thuế đối với cơ quan nhà nước.
Tài liệu do Cục Thuế TP.Hà Nội cung cấp thể hiện từ năm 2014 - 2019, tổng tài sản của Công ty Nhật Cường khoảng 503 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 4,8 tỉ đồng. Các báo cáo thuế từ 2014 - 2018 thể hiện tổng thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này nộp ngân sách là hơn 1,3 tỉ đồng, thuế giá trị gia tăng là 12,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trích xuất trên số liệu hệ thống ghi nhận thực tế nội bộ Công ty Nhật Cường cho thấy tổng tài sản công ty là hơn 883 tỉ đồng và tổng giá trị hàng mua không hóa đơn (không nộp thuế) lên tới hơn 3.000 tỉ đồng.
KLĐT xác định, thông qua hệ thống phân phối của mình, Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm nhập lậu, thu được tổng số tiền hơn 3.213 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền 221 tỉ đồng. Đồng thời, trốn thuế các loại thuế giá trị gia tăng 26,8 tỉ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp 3,1 tỉ đồng. Đáng chú ý, C03 xác định tổng số tiền mua hàng nhập lậu do Công ty Nhật Cường chi ra hàng trăm tỉ đồng được Bùi Quang Huy và đồng phạm chuyển cho các tiệm vàng ở phố Hà Trung (Hà Nội) để chuyển vào tài khoản tại nước ngoài của nhà cung cấp.
Trong vụ án này, C03 xác định Bùi Quang Huy có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Trong đó, riêng hành vi “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” của Huy và đồng phạm đã gây thiệt hại cho nhà nước gần 30 tỉ đồng; rồi thành lập 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền). Do Huy đang bỏ trốn, nên C03 đã tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Tách vụ án có liên quan vợ chồng ông Nguyễn Đức ChungTheo KLĐT, trong vụ án này, ngoài Bùi Quang Huy còn có 6 người khác có liên quan đang bỏ trốn, nên ngày 7.1.2021, C03 đã quyết định tách vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội và một số đơn vị liên quan để điều tra, xử lý sau.
Liên quan vụ án, C03 đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Hà Nội; và bà Phạm Thị Thu Hường, nguyên Chánh văn phòng của sở này. Trong diễn biến khác, TAND TP.Hà Nội cũng đã tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, 5 năm tù giam về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Ông Chung bị cáo buộc đã chỉ đạo một số cán bộ thuộc cấp móc nối với cán bộ C03 để đánh cắp tài liệu điều tra vụ án Nhật Cường, là vụ án mà ông Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
|
Bình luận (0)