Hé lộ nguyên nhân khiến 430 tấn cá bè ở An Giang lật bụng chết hàng loạt

17/05/2022 20:13 GMT+7

Gần 430 tấn cá nuôi lồng bè bè tại TP.Châu Đốc và H.An Phú (An Giang) bị lật bụng chết. Ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, phân tích mẫu để tìm nguyên nhân của tình trạng này.

Ngày 17.5, tin từ Chi cục thủy sản An Giang, qua thống kê, đến chiều cùng ngày, đã có gần 430 tấn cá các loại như: cá lăng đuôi đỏ, cá he, cá mè vinh, cá ba sa, điêu hồng của trên 50 hộ dân nuôi cá bè trên sông Hậu thuộc H.An Phú và TP Châu Đốc bị chết chưa rõ nguyên nhân.

Cá lật bụng chết hàng loạt

Theo Phòng Kinh tế TP.Châu Đốc, từ ngày 13.5, nơi đây nhận tin báo của các hộ nuôi cá bè trên nhánh sông Hậu đoạn thuộc P.Vĩnh Nguơn có hiện tượng cá nuôi thương phẩm như cá: he, mè vinh, ba sa, điêu hồng, lăng đuôi đỏ... lật bụng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Vì cá chết nhiều nên các hộ nuôi vớt xác cá bán rẻ để xay chế biến làm thức ăn nuôi cá khác hoặc bán cho các hộ dân làm mắm…Tình trạng cá bè bị chết tương tự tại H.An Phú gần đó.

Cá đang nuôi trong bè thì lật bụng chết hàng loạt

CTV

Thống kê của ngành chức năng tỉnh An Giang, trong tổng sản lượng cá chết gần 430 tấn, P.Vĩnh Ngươn (TP.Châu Đốc) có 201 tấn thuộc 95 lồng bè của 39 hộ nuôi. H.An Phú có khoảng 227,4 tấn thuộc 56 lồng bè của 14 hộ nuôi.

Để giảm bớt tình trạng cá chết, giảm bớt thiệt hại cho người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức vận động người dân di dời 49 lồng bè của P.Vĩnh Nguơn và 21 lồng bè của H.An Phú. Đồng thời, Chi cục thủy sản An Giang phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh An Giang... tiến hành lấy mẫu kiểm tra phân tích mẫu nước và mẫu cá để tìm ra nguyên nhân cá chết.

Nhiều chỉ tiêu lý hóa vượt chuẩn

Theo kết quả xét nghiệm ngày 16.5 của Chi cục Thú y Vùng VII, trên các mẫu cá thu từ vùng nuôi cá lồng bè xảy ra sự cố cá chết tại P.Vĩnh Ngươn không phát hiện các loại bệnh nguy hiểm gây chết cá.

Sở TN-MT An Giang đã tiến hành ngay việc thu mẫu nước, thủy sinh vật ở khu vực cá chết tại xã Vĩnh Hội Đông (H.An Phú) và P.Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc) để phân tích lý hóa nước (36 chỉ tiêu), thủy sinh vật (định tính, định lượng).

Đến ngày 16.5 đã có kết quả của 17 chỉ tiêu lý hóa. Cụ thể, tại khu vực xã Vĩnh Hội Đông, H.An Phú có 6/17 thông số quan trắc về: DO, TSS, COD, Amoni (NH4+ tính theo N), Phosphat (PO43- tính theo P), Fe vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Cá chết bất ngờ gây thiệt hại lớn cho người nuôi cá bè tại TP.Châu Đốc và H.An Phú, tỉnh An Giang

CTV+

Tương tự, tại khu vực P.Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc có 7/17 thông số quan trắc về: DO, TSS, COD, Amoni (NH4+ tính theo N), Nitrit (NO2- tính theo N), Phosphat (PO43- tính theo P), Fe chưa đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Ô xy trong nước thấp

Sở TN-MT An Giang nhận xét, chất lượng nước tại H.An Phú và TP.Châu Đốc thời điểm lấy mẫu cho thấy: chất rắn lơ lửng, sắt, chất hữu cơ, nitơ, phosphat, oxy hòa tan trong nước thấp. Không có kim loại nặng và dầu mỡ trong môi trường nước khu vực quan trắc.

Theo Sở TN-MT An Giang, trong môi trường nước khi hàm lượng chất rắn lơ lửng nhiều, chất hữu cơ cao, oxy trong nước thấp, sắt cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá, có thể gây bất lợi cho quá trình trao đổi khí qua mang cá.

Sở TN-MT An Giang khuyến cáo một số giải pháp chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại thủy sản nuôi là: tăng cường bố trí treo vôi ở khu vực đầu bè đề phòng lúc mưa kéo dài và pH nước hạ thấp; trang bị máy thổi khí (quạt nước) và dự trữ oxy hạt để cung cấp cho lồng, bè khi lưu tốc dòng chảy yếu hoặc ban đêm khi test thấy thiếu oxygen cục bộ. Đồng thời, các hộ nuôi cá cần trang bị các bộ test nhanh (DO, pH) để thực hiện kiểm tra chất lượng nước khi cần thiết; điều chỉnh di dời giãn khoảng cách neo đậu lồng, bè thông thoáng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.