Nữ hoàng Anh và chuyện kế vị
Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia từ năm 1952 khi cha bà là Vua George VI qua đời. Bà trị vì lâu hơn bất kỳ quốc vương Anh nào khác. Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, đồng thời là người đứng đầu Giáo hội Anh giáo.
Nữ hoàng Elizabeth II (95 tuổi) và chồng - Công tước xứ Edinburgh, Vương tế Philip (100 tuổi) có 4 người con, 8 cháu và 9 chắt.
• Thân vương xứ Wales - Thái tử Charles (73 tuổi), kết hôn với Nữ công tước xứ Cornwall – Camilla. Ông là con trai cả của Nữ hoàng Elizabeth II và sẽ lên ngôi vua khi bà qua đời.
• Công tước xứ Cambridge - Hoàng tử William (39 tuổi) kết hôn với Nữ công tước xứ Cambridge – Catherine. William là con trai cả của Thân vương xứ Wales và Diana - Công nương xứ Wales.
• Công tước xứ Sussex - Hoàng tử Harry (37 tuổi) là em trai của William - kết hôn với Nữ công tước xứ Sussex - Meghan Markle. Năm 2020, hai vợ chồng tuyên bố họ rút lui khỏi hoàng gia và hiện sống ở Los Angeles (Mỹ).
|
Điều kiện trở thành thành viên hoàng gia
Một người nào đó kết hôn với hoàng gia sẽ trở thành thành viên của hoàng gia và họ được phong tước vị khi kết hôn. Ví dụ, Diana Spencer trở thành Công nương xứ Wales khi kết hôn với Thái tử Charles vào năm 1981.
Tuy nhiên, để trở thành vua hoặc nữ hoàng, bạn phải được sinh ra trong hoàng gia.
Thái tử Charles là người đầu tiên lên ngôi vua khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Con trai cả của ông là Hoàng tử William, đứng thứ hai trong hàng và con trai cả của William, Hoàng tử George, đứng thứ ba.
|
Đám cưới Hoàng gia
Đám cưới hoàng gia thường diễn ra tại một số địa điểm lâu đời nhất và hoành tráng nhất, thu hút rất đông công chúng tham dự.
Nữ hoàng Elizabeth và Vương tế Philip kết hôn vào năm 1947 tại Tu viện Westminster, được xây dựng vào năm 960 và nằm bên cạnh Nhà Quốc hội.
Hơn sáu thập kỷ sau, vào năm 2011, đám đông đã xếp hàng dài trên các con phố bên ngoài Tu viện chứng kiến hôn lễ của cháu trai William với Catherine Middleton. Họ trở thành Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge.
Các thành viên hoàng gia khác trao nhau lời thề nguyện tại Nhà nguyện St George ở lâu đài Windsor, hơn 900 năm tuổi, trong đó có đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle vào năm 2018.
|
Đón thành viên mới
Một số thành viên hoàng gia cao cấp được sinh ra tại Bệnh viện St Mary ở London.
Công nương Diana sinh Hoàng tử William và Hoàng tử Harry tại đây. Nữ công tước xứ Cambridge sinh ba con: Hoàng tử George (8 tuổi), Công chúa Charlotte (6 tuổi) và Hoàng tử Louis (3 tuổi).
|
Công việc của các thành viên hoàng gia
Chính phủ Anh được gọi là chính phủ của Nữ hoàng, nhưng Nữ hoàng hầu như không có quyền lực chính trị. Nữ hoàng gặp Thủ tướng Anh mỗi tuần một lần, như một lời nhắc nhở về vị trí của bà trong chính phủ, nhưng Thủ tướng không trông chờ sự chấp thuận của Nữ hoàng Elizabeth II đối với các chính sách.
Các thành viên hoàng gia cũng đại diện cho Nữ hoàng Elizabeth II trong các chuyến viếng thăm các nước khác. Ví dụ, Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge đã thực hiện chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ireland vào tháng 3.2020.
Nhiều thành viên hoàng gia bảo trợ cho các tổ chức từ thiện và một số đã thành lập tổ chức của riêng họ - chẳng hạn như Giải thưởng của Công tước xứ Edinburgh dành cho những người trẻ tuổi.
Thành viên hoàng gia có quan hệ chặt chẽ với các lực lượng vũ trang. Hoàng tử William phục vụ trong lực lượng Không quân Hoàng gia và Hoàng tử Harry phục vụ Hải quân Hoàng gia Anh.
|
Các thành viên từ bỏ hoàng gia
Năm ngoái, Hoàng tử Harry và Meghan Markle - Nữ công tước xứ Sussex, tuyên bố rút lui khỏi tư cách hoàng gia và làm việc độc lập về tài chính.
Cung điện Buckingham xác nhận Harry mất hết các tước vị tượng trưng trong Quân lực Hoàng gia Anh, gồm cả chức Tướng Thủy quân Lục chiến và Trung tá Hải quân cùng sự bảo trợ tài chính của hoàng gia. Các vị trí, chức vụ của Harry sẽ được phân phối lại cho thành viên khác của hoàng gia.
Trước Harry, Công tước xứ York - Hoàng tử Andrew, em trai Thái tử Charles cũng từ bỏ các nhiệm vụ hoàng gia vào năm 2019.
|
Thu chi tài chính
Hằng năm, chính phủ Anh trao cho Nữ hoàng Elizabeth II một khoản thanh toán duy nhất được gọi là Trợ cấp hoàng gia.
Con số này dựa trên 25% doanh thu của The Crown Estate - công ty kinh doanh bất động sản thương mại độc lập, bao gồm Công viên lớn Windsor rộng 2.000 hecta và trường đua ngựa Ascot ở Berkshire, các khu dân cư và tài sản thương mại khác.
Trợ cấp hoàng gia mỗi năm là 118 triệu USD cho giai đoạn 2020-2021, hỗ trợ các nhiệm vụ chính thức của hoàng gia và duy trì việc vận hành bảo trì các cung điện hoàng gia.
Một nguồn thu quan trọng khác của hoàng gia là Duchy of Lancaster - khu bất động sản rộng hơn 18.000 hecta có từ năm 1265, gồm các tòa nhà thương mại, đất nông nghiệp và dân cư. Khu này mang về doanh thu khoảng 26 triệu USD cho Nữ hoàng hằng năm. Nữ hoàng sử dụng số tiền này cho các chi phí cá nhân và hoạt động chính thức, bao gồm chi tiêu cho một số thành viên hoàng gia trong các hoạt động thay mặt bà.
Thái tử Charles và vợ - Camilla có thu nhập từ cả chính phủ lẫn tài sản riêng. Hơn 90% thu nhập của họ đến từ Duchy of Cornwall - công ty đầu tư tài chính và bất động sản được thành lập từ năm 1337, bao gồm nhiều khu vùng đất ở nông thôn và thành thị, nhiều hòn đảo, lâu đài cho thuê tại Wales và Cornwall.
Trung bình mỗi năm, vợ chồng thái tử Charles kiếm được 28 triệu USD từ Duchy of Cornwall, đồng thời nhận thêm 1,8 triệu USD từ Trợ cấp hoàng gia và khoảng 627.000 USD từ nhiều cơ quan chính phủ Anh.
Nơi cư ngụ của các thành viên hoàng gia
Nhà chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II ở London là Cung điện Buckingham.
Bà thường dành những ngày cuối tuần và một tháng trong dịp Lễ Phục sinh tại lâu đài Windsor ở Berkshire. Bà và Vương tế Philip hiện sống tại lâu đài Windsor trong suốt đại dịch Covid-19.
Thái tử Charles và vợ - Nữ công tước xứ Cornwall sống tại dinh thự Clarence House - cách Cung điện Buckingham của hoàng gia chưa đầy 800 mét. Hoàng tử William và vợ - Nữ công tước xứ Cambridge cũng sống gần đó, trong Cung điện Kensington.
Bình luận (0)