Hệ lụy khó lường sau những vai diễn

13/07/2019 05:00 GMT+7

Theo thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, cần hết sức lưu ý về tâm lý các diễn viên nhí sau quá trình các em tham gia hoạt động nghệ thuật, đặc biệt sau khi đóng phim - nhất là những vai phản diện.

Khán giả theo dõi phim Đánh cắp giấc mơ (đạo diễn Phương Điền - Trung Nghĩa, đang phát trên VTV3) hẳn sẽ rất “ấn tượng” với nhân vật Hải Vân (lúc nhỏ). Cô bé này lớn lên trong cảnh đầu đường xó chợ, luôn khát khao được đổi đời. Diễn viên nhí Mai Cát Vi (10 tuổi) đã thể hiện thành công một cô bé tinh ranh, xảo trá, từ ánh mắt tính toán cơ hội đến thái độ “giả nai” lấy lòng người lớn đều “chuẩn không cần chỉnh”, khiến người xem thật sự phát ghét và kinh sợ hình tượng đứa trẻ này.

Các em cũng sẽ cảm thấy ức chế, tại sao không ai tin đó là vai diễn. Và vô tình đứa trẻ phải gánh thêm áp lực trong quá trình hình thành nhân cách và trưởng thành của mình

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A

Trước đó, ở phim Những cô gái trong thành phố, vai Trâm Anh của diễn viên nhí Hà Anh (9 tuổi) cũng làm dấy lên làn sóng phản ứng từ khán giả. Trâm Anh sống với bố nhưng ông bố lại quá bận rộn nên thuê người giúp việc chăm sóc con. Tuy nhiên, không có cô giúp việc nào ở được quá 1 tuần với “cô chủ nhỏ” tính nết bướng bỉnh, hỗn hào và xấc láo kiểu bề trên này. Vai diễn của Hà Anh đạt đến mức nhiều khán giả bày tỏ sự bức xúc và để lại những bình luận khó nghe ở fanpage bộ phim về nhân vật: con nít ranh, con mất dạy... Trong những bài trả lời báo chí của mẹ diễn viên Hà Anh về sự phản ứng này, chị cho biết ban đầu gia đình rất sốc, con gái chị đến trường cũng bị bạn bè gọi tên Trâm Anh, và bé cũng buồn khi đọc được những comment trên mạng xã hội... Người mẹ đã tìm cách giải thích, chia sẻ, khuyên lơn để cô bé hiểu vấn đề hơn, rằng khán giả đánh đồng giữa phim và đời nên mới bình luận như thế... Và, gây tranh cãi lẫn hoang mang âm ỉ chưa dứt cho đến nay là câu chuyện phim Vợ ba có diễn viên 13 tuổi - Trà My (vai Mây) tham gia và có những “cảnh nóng” với cả đàn ông (chồng) và đàn bà (vợ hai).

Bé Cát Vi trong Đánh cắp giấc mơ

Ảnh: S.V

Thạc sĩ Tô Nhi A còn lo lắng cho các diễn viên nhí ở một khía cạnh khác. Chị cho rằng, khi các em hóa thân thành nhân vật phản diện hay có những nét tính cách không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với độ tuổi, các em buộc phải thực hành những hành vi để có kết quả là “diễn xuất đạt”. Nhưng “đạt” có nghĩa là về tư duy, biểu diễn, cảm xúc, ngôn ngữ, tổng hòa những động thái biểu diễn của các em phải rất thật. “Sự bộc lộ này, theo cơ chế hình thành tâm lý, nếu được diễn ra trong giai đoạn dài và lặp đi lặp lại, rất có thể sẽ hình thành thói quen, từ thói quen đó sẽ thành thuộc tính tâm lý ổn định hơn mà ta gọi là tính cách. Nếu phim quay trong thời gian dài và có những cảnh chiếm nhiều thời gian, nghĩa là tần suất các em thể hiện điều đó dày đặc thì khó nói sau khi đóng máy, các em sẽ quên những ký ức này”, chị cho biết.

Nhân vật trên phim, áp lực đời thật

Cũng theo phân tích của thạc sĩ Tô Nhi A, dù phim đóng máy hay đã phát sóng rồi, nhưng mỗi ngày các em đến trường, tham gia vào nhiều mối quan hệ xã hội, phản ứng với các mối quan hệ đó, sự gợi nhắc của những người xung quanh, cộng thêm sự phát triển của truyền thông sau mỗi sản phẩm đang được gây chú ý, các em khó bước ra khỏi vai diễn. “Các em cũng sẽ cảm thấy ức chế, tại sao không ai tin đó là vai diễn. Và vô tình đứa trẻ phải gánh thêm áp lực trong quá trình hình thành nhân cách và trưởng thành của mình. Chính sự căng thẳng này có thể làm cho các em cảm thấy trải nghiệm trước đây của mình là một trải nghiệm tội lỗi hoặc không hài lòng, day dứt về nó”, chị nhận định.
Chính vì thế, theo thạc sĩ Tô Nhi A, dù chúng ta vẫn khuyến khích sự cống hiến nghệ thuật ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng hoạt động nghề nghiệp nào cũng cần soi chiếu dưới những hệ quy chuẩn. “Đầu tiên là quy chuẩn về mặt pháp luật. Việc sử dụng diễn viên tuổi vị thành niên, trước tiên phải tuân theo luật lao động, luật trẻ em. Thứ hai là về mặt đạo đức - những cảnh quay không đi ngược với quy định về mặt đạo đức, hoặc với cảnh quay có thể diễn ra đúng luật nhưng lạm dụng hoặc bỏ qua những chấn động về tâm lý, hay sự quá sức của trẻ thì phải hết sức cẩn trọng và cần loại bỏ trong quá trình sử dụng diễn viên nhỏ tuổi. Thứ ba, không thể bỏ qua những thông tin khoa học về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ: từ thể chất, đến đời sống tâm lý và đặc tính xã hội”. Chị cũng nói thêm rằng, trong trường hợp phụ huynh đã đồng ý cho con tham gia phim, nhất là các vai gai góc, phải “gia công” thêm công đoạn, là khi con thực hiện xong trải nghiệm đó thì những tác động giáo dục nào chúng ta cần tiếp tục thực hiện để lấy lại được sự cân bằng cho trẻ.
Được biết, từ thời làm Đất phương nam, đạo diễn Vinh Sơn đã thuê giáo viên theo đoàn phim dạy văn hóa cho các diễn viên nhí. Điều này cho thấy người làm phim luôn cố gắng để các em không bị ảnh hưởng việc học khi đóng phim. “Ngoài ra, nếu vai diễn có sự phức tạp về tính cách, đạo diễn cần phối hợp với phụ huynh để có hướng truyền đạt sao cho con trẻ hiểu được không chỉ trước, trong mà cả ảnh hưởng nếu có sau khi phim được chiếu. Ở đây, tôi nghĩ vai trò của gia đình rất quan trọng”, đạo diễn Văn Công Viễn chia sẻ.             
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.