Hệ lụy từ cách giáo dục nuông chiều: Nhiều học sinh lớp 12 không biết nấu cơm?

11/01/2023 17:15 GMT+7

'Nhiều học sinh lớp 12 bây giờ hình như chỉ biết nấu mì gói ăn thôi, đến làm cái trứng ốp la, hay nấu cơm điện... cũng không biết. Lỗi tại ai?'.

Đó là ý kiến của bạn đọc Le Trinh sau khi đọc bài báo "Hệ lụy từ cách giáo dục nuông chiều” trên Báo Thanh Niên hôm nay.

Bài báo còn nhận được hàng trăm bình luận, hầu hết đều đồng tình với quan điểm trong bài về việc giáo dục con theo cách nuông chiều sẽ tạo ra một thế hệ ích kỷ, hời hợt, thiếu trách nhiệm, không biết sẻ chia…

Trẻ lớp 5 vẫn được ba mẹ đút cho ăn

Đồng tình với Le Trinh, bạn đọc Ka Thy viết: "Không biết nấu cơm, không biết giặt đồ ủi đồ vì toàn người giúp việc làm cho hết hoặc ông bà, cha mẹ làm giùm. Tôi không biết nếu sau này lấy chồng lấy vợ thì ai làm thay cho".

Từ nhỏ nếu trẻ được dạy tự lập thì lớn lên sẽ có trách nhiệm với chính bản thân và người khác

thúy hằng

Một bạn đọc khác cũng cho rằng nhiều học sinh được phụ huynh coi như “bà hoàng, ông vua”, cái gì phụ huynh cũng giành làm hết, không cho con làm, sợ con mệt, khổ... “Phục vụ con tận răng như vậy, trẻ không ỷ lại, lười biếng mới là chuyện lạ...”, bạn đọc này cho hay.

"Sáng đưa con đi học, thấy nhiều cha mẹ con đã học lớp 5, tướng tá nhiều khi to hơn cả mẹ, ngồi mẹ đút cho ăn sáng từng muỗng, còn con ngồi bấm điện thoại nhìn phát hoảng. Tập hư cho con. Còn mình tập cho con tự phục vụ từ bé thì họ cho mình là 'hà khắc với con cái, đẻ ra không biết thương con'".

Bạn đọc Dương Thị Xuân nhìn nhận: “Bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, đời sống kinh tế khá giả hơn nên họ quá nuông chiều con mình, muốn cho các cháu được sung sướng hưởng thụ. Điều đó vô tình đã tạo ra một lớp người vô trách nhiệm, không có kỷ luật với bản thân, xã hội. Đáng buồn!”.

Bạn đọc Thoi Hoang chia sẻ thêm: “Thực ra tâm lý cha mẹ luôn sợ con mình bị khổ cực. Nhưng cũng phải xem lại phương pháp giáo dục hiện tại, có phải nó quá thụ động không? Không được hay không dám phản biện, thái độ chỉ biết mình mà không nghĩ đến xã hội”.

Một bạn đọc khác nêu: “Nhiều bố mẹ trẻ thời buổi bây giờ chỉ thích con đi học để giỏi hơn bạn khác để thỏa mãn tính sĩ diện của bố mẹ chứ có dạy kỹ năng sống cho con đâu. Con trẻ bây giờ nhiều em thậm chí vào nhà ai cũng không biết chào hỏi”.

Bỏ tiền cho con học kỹ năng trong khi ở nhà làm ngược lại

Những hệ lụy từ cách giáo dục nuông chiều cũng được nhiều bạn đọc mổ xẻ. Bạn đọc Trương Lộc cho rằng một trong những hệ lụy đó là áp lực đè nặng lên tâm trí và cách dạy dỗ của thầy cô, giáo viên đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn đến từ trẻ và cha mẹ của chúng.

Bạn đọc Hoàng Phong đồng ý với ý kiến của Trương Lộc, đồng thời nhận định hệ lụy đó kéo dài lên đến bậc ĐH, khi mà có những sinh viên tuổi trên 18 nhưng suy nghĩ rất trẻ con, ích kỷ, hời hợt và luôn thích vẻ hào nhoáng bên ngoài trong khi không sẵn sàng cảm thông và san sẻ với người xung quanh.

Với bạn đọc Vũ Xuân Xô, một học sinh đến bữa ăn mà không tự bưng bê cho mình được thì sẽ không làm được việc gì khác. Thế nhưng chính những phụ huynh phản đối việc nhà trường cho trẻ tự phục vụ bữa ăn có khi nghỉ hè lại phải bỏ ra cả đống tiền để cho con đi học kỹ năng sống hoặc học kỳ quân đội…

Trong khi đó, có một số bạn đọc lại có ý kiến trái chiều. Bạn đọc Mina cho rằng hệ thống phòng ốc, điện hay mô hình của Việt Nam không được như Nhật Bản nên đừng so sánh. Để tạo nên những đứa trẻ tự biết phục vụ thì đi đôi với giáo dục còn có bài toán cơ sở vật chất đồng hành. Lỡ con bạn bị vấn đề gì thiếu an toàn về thiết bị điện nếu tự phục vụ thì sao?

Phụ huynh Nguyễn Hà thì lại bày tỏ: "Mất tiền học không để trẻ được ăn được chơi lại bắt con trẻ vào khuôn vào khổ. Người lớn mà sống kỷ luật quá còn mệt, chẳng còn khả năng sáng tạo. Với trẻ con đừng dùng roi vọt hay kỷ luật ra để đánh giá.

Bạn đọc Nguyễn Hương Nhi nêu quan điểm: “Phụ huynh đâu biết rằng việc để trẻ tự làm những việc trong khả năng của trẻ sẽ tốt cho con họ sau này”.

Nhiều bạn đọc khác lo ngại nếu cha mẹ thời nay tiếp tục duy trì cách giáo dục nuông chiều thì rất nguy hại cho thế hệ trẻ trong tương lai. “Một xã hội văn minh, phát triển thì giáo dục con người vô cùng quan trọng. Nuông chiều quá hay hà khắc quá cũng đều không tốt. Giáo dục tiến bộ là phải biết chọn lọc những cái hay và dung hòa được 2 thái cực trên”, bạn đọc Hùng Nghiêm chia sẻ.

Trẻ Nhật được dạy cách tự lập từ bé

Bạn đọc Nghia Quach kể lại: "Vào năm 2000, tôi có đến tham quan, giao lưu với các em trường tiểu học Quốc tế tại Tokyo, Nhật Bản. Các em chủ động đặt ra rất nhiều câu hỏi về Việt Nam như cách giải quyết tình trạng kẹt xe, làm sao không xảy ra mâu thuẫn học đường...

Đến giờ cơm, các em xếp hàng tại nhà ăn, tự lấy hộp cơm, đũa, tự rót nước... Sau khi ăn nếu còn thừa sẽ đổ vào đâu, hộp cơm không thì trả lại xếp ngăn nắp, đũa và muỗng nĩa để một nơi để rửa và dùng lại. Đó là cách giáo dục của người Nhật. Xin nói thêm trường tiểu học này toàn con nhà giàu tại Tokyo!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.