Hệ lụy từ khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông

01/09/2019 08:00 GMT+7

Dù muốn sớm có COC, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn xúc tiến kế hoạch khai thác dầu khí chung ẩn chứa nhiều nguy cơ với Trung Quốc .

Tờ The Philippine Star hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho hay trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh, Tổng thống Rodrigo Duterte đề cập nhu cầu sớm cho ra Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Duterte cũng đã nêu vấn đề COC trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 29.8. Trước đó, nhà lãnh đạo Philippines chỉ trích Trung Quốc trì hoãn COC và cảnh báo tình trạng này “đang gây ra quá nhiều sự cố và một ngày nào đó sẽ dẫn tới tính toán sai lầm”. Ngoài COC, trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập, Tổng thống Duterte còn nêu phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, khẳng định “đó là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể phản đối”.
Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của dư luận khu vực về chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Duterte là kế hoạch cái bắt tay giữa hai bên về dầu khí ở Biển Đông. Bất chấp những cảnh báo trong lẫn ngoài nước, Philippines nhất trí cùng Trung Quốc thành lập ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến việc thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông với tỷ lệ ăn chia 60 - 40 nghiêng về Manila.

Bãi Cỏ Rong và xa hơn nữa

Theo phát ngôn viên Panelo, chính Tổng thống Duterte nhắc đến kế hoạch thăm dò khai thác chung trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập trong khi Trung Quốc là phía đề xuất tỷ lệ ăn chia nói trên. Ông Duterte còn nhận định đây là “khởi đầu tốt”.
Bắc Kinh và Manila ký biên bản ghi nhớ (MOU) về khả năng khai thác dầu khí chung ở Biển Đông hồi tháng 11.2018 trong chuyến thăm Philippines của ông Tập. Theo trang tin The Rappler, hai bên dự kiến gặp nhau vào tháng 11 tới để thảo luận về khuôn khổ cho các thỏa thuận hợp tác. Trong đó, một trong những bước đi đầu tiên là đề xuất dỡ bỏ lệnh tạm dừng thăm dò dầu khí ở Biển Đông hồi năm 2013 do Tổng thống Philippines khi đó Benigno Aquino III ban hành giữa lúc căng thẳng dâng cao sau khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Nếu lệnh này được dỡ bỏ, 2 địa điểm được xem xét cho việc khai thác chung là phía bắc đảo Palawan của Philippines và khu vực bãi Cỏ Rong, theo The Philippine Star. Bãi Cỏ Rong là địa điểm xảy ra vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân trước khi họ được tàu cá VN ứng cứu hồi tháng 6.
Bên cạnh đó, phát biểu với giới phóng viên, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago Romana cho hay hai bên muốn hợp tác khai thác chung “tại những khu vực tranh chấp lẫn không tranh chấp” ở Biển Đông nhưng không nêu rõ chi tiết. Đại sứ này còn lưu ý thỏa thuận sẽ phải tuân theo hiến pháp của hai nước cũng như Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo một số nguồn tin từ Manila, thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc “rất quan trọng đối với Philippines” vì mỏ khí đốt tự nhiên Malampaya ở Palawan sắp cạn trong khi chính quyền Manila rất khó tự thăm dò, khai thác các mỏ mới trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai tàu quấy rối, ngăn cản hoạt động dầu khí hợp pháp của các nước trong khu vực.

Hiểm họa khó lường

Thời gian qua, hàng loạt chuyên gia và quan chức Philippines lẫn quốc tế đều ra sức cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với Philippines và cả khu vực liên quan đến kế hoạch nói trên. Theo cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, việc khai thác chung với Trung Quốc sẽ đe dọa an ninh và lợi ích của nước này. Ông lập luận không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng an ninh áp sát Philippines, chẳng hạn như tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ có lý do cập cảng của đối tác. “Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông Golez cảnh báo.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nhận định: “Với thái độ cứng rắn của Trung Quốc, không có khả năng Philippines đạt được thỏa thuận khai thác chung mà không mất chủ quyền quốc gia. Nếu không thực hiện thỏa thuận sau khi ký kết, Philippines không những đối mặt với sức ép quân sự mà còn chịu nhiều thiệt hại kinh tế từ những đòn trừng phạt của Trung Quốc”.
Ngoài ra, trong bài bình luận trên chuyên san The Diplomat, cây bút chuyên về các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Prashanth Parameswaran cho rằng động thái của Philippines đã đặt nước này và cả khu vực vào tình huống hết sức nguy hiểm. Theo đó, Trung Quốc sẽ tạo ảo tưởng rằng tình hình Biển Đông đã lắng dịu và có cớ ngăn cản các nước phản đối hành động phi pháp của nước này ở Biển Đông. Mặt khác, cái gật đầu của Manila khiến Bắc Kinh càng tự tin hơn trong hành vi quấy rối, cưỡng ép và ngăn cản các bên khác tiến hành hoạt động dầu khí hợp pháp và lâu dài ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách đường lưỡi bò phi lý, để từ đó phải chấp nhận đàm phán song phương và khai thác chung.
Vì thế, trong cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên trước đây, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật Biển tại Đại học Philippines khuyến cáo những bên khác trong vấn đề Biển Đông “cần theo dõi sát sao tình hình thương thảo giữa Manila và Bắc Kinh nhưng không nên xem đây là tiền lệ để làm theo”.
Gây khó cho ASEAN
Hệ lụy từ khai thác chung với Trung Quốc ở Biển Đông1

Ảnh: NVCC

       
Tuần qua, trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Philippines Rodrido Duterte đến Trung Quốc, hai bên đã thống nhất tiến hành thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông. Đây là diễn biến không bất ngờ nếu xem xét quá trình hợp tác giữa Bắc Kinh với Manila.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc và Philippines hợp tác thăm dò dầu khí chung trên Biển Đông sẽ gây khó cho ASEAN. Cụ thể, ASEAN hoạt động dựa trên sự đồng thuận với từng vấn đề cụ thể. Vì thế, khi giải quyết các vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc, điển hình là tranh chấp Biển Đông, mà một thành viên của ASEAN có quyền lợi liên quan gắn chặt với Bắc Kinh, thì hiệp hội khó có thể đạt được sự đồng thuận.
Tất nhiên, việc thúc đẩy với Trung Quốc cũng có thể là cách mà Tổng thống Duterte muốn thu hút trở lại sự quan tâm từ Mỹ và Nhật Bản, bởi cả Washington lẫn Tokyo chắc chắn không muốn Manila ngả hẳn về phía Bắc Kinh. Có thể, Philippines sẽ tiếp tục tận dụng vị thế của mình để “lắt léo” trong quan hệ với các nước nói trên.
PGS Stephen Robert Nagy
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
Ngô Minh Trí (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.