Đến lượt nhà hàng, quán ăn, cà phê 'đổi chủ'

22/06/2023 06:22 GMT+7

Không chỉ khách sạn, nhiều hệ thống nhà hàng, quán ăn, cà phê ở TP.HCM cũng chưa thoát được khó khăn, buộc phải sang tên đổi chủ.

Từ "ông lớn" đến "ông nhỏ" lần lượt đóng cửa

Những ngày qua, nhiều tín đồ cà phê ở TP.HCM tiếc nuối nhìn quán cà phê PhinDeli ở góc Công trường Quốc tế (đối diện hồ Con Rùa) cửa đóng then cài. Nằm ở vị trí đắc địa với diện rộng, không gian thiết kế có khu vực ngồi ngoài trời rộng rãi thoáng đãng nên PhinDeli là điểm hẹn quen thuộc của giới công sở, dân văn phòng, thường xuyên đông đúc kín chỗ. Trên trang thông tin chính thức, thương hiệu này xác nhận từ ngày 23.5 dời sang địa điểm kinh doanh mới, sau gần 2 năm hoạt động tại đây. 

Trước đó, lần lượt các quán PhinDeli tại giao lộ Nguyễn Du - Ðồng Khởi có view nhìn thẳng ra Nhà thờ Ðức Bà và tại vòng xoay ngã sáu Phù Ðổng lần lượt trả mặt bằng cũng khiến nhiều người bày tỏ lo lắng về "khả năng tồn tại" của chuỗi thương hiệu cà phê thuộc Nova F&B (Tập đoàn NovaGroup). Cùng tập đoàn, thương hiệu Saigon Casa Cafe cũng nối gót PhinDeli thông báo rời khỏi mặt bằng tại số 7 đường Phạm Ngọc Thạch từ ngày 23.5.

Hệ sinh thái du lịch vẫn chưa hết khó - Ảnh 1.

Quán cà phê PhinDeli hồ Con Rùa rào chắn đóng cửa sau khi chuyển mặt bằng

Đào Ngọc Thạch

Trao đổi với Thanh Niên sáng 21.6, đại diện Tập đoàn NovaGroup xác nhận Công ty Nova F&B chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực tại các dự án do NovaGroup phát triển đã được một doanh nghiệp Singapore mua lại, 2 bên đang tiến hành hoàn tất các thủ tục cuối cùng của thương vụ. Hệ thống của Nova F&B có 46 cửa hàng đang hoạt động (chủ yếu tại TP.HCM) với 18 thương hiệu khá đình đám như: Saigon Casa, Marina Club, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, PhinDeli, Mojo Boutique Coffee, Carpaccio, Shri Restaurant & Lounge, Tib, JUMBO Seafood, Crystal Jade Palace, Gloria Jean's Coffees, Sushi Tei... Một nguồn tin cho biết sau khi về tay ông chủ Singapore, Nova F&B sẽ thuộc quản lý và vận hành của IN Hospitality và dự kiến được đổi tên thành IN Dining. Mặc dù phía NovaGroup khẳng định trước thương vụ, các chuỗi cửa hàng, sản phẩm thuộc Nova F&B đang kinh doanh khá ổn định và việc bán lại Nova F&B nằm trong kế hoạch chung tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của tập đoàn, không phải do "ế khách", song, không thể phủ nhận tình hình hoạt động của các dịch vụ nhà hàng, ăn uống trên địa bàn TP.HCM vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi PhinDeli tại giao lộ Nguyễn Du - Ðồng Khởi đóng cửa, quán cà phê "hàng xóm" Mellower Coffee cũng gửi tới các khách hàng thân thiết thông báo đóng cửa vĩnh viễn tại TP.HCM. Ðây là chuỗi cà phê đặc sản nổi tiếng tại Trung Quốc được thành lập từ năm 2011, đã có hơn 50 cửa hàng trên toàn thế giới, khai trương cửa hàng đầu tiên ở VN trên đường Lê Duẩn (TP.HCM) hồi năm 2019.

Không chỉ các thương hiệu cà phê lớn rút khỏi cuộc đua, rất nhiều chủ cửa hàng những quán quy mô nhỏ, chi phí mặt bằng thấp hơn rất nhiều cũng đang phải đứng trước ngưỡng sang tên đổi chủ. Vừa đăng trên trang Facebook cá nhân bài viết tìm người sang lại gấp quán cà phê ở Q.Tân Bình có diện tích gần 100 m2 với giá 135 triệu đồng, anh T.T cho biết ngoài lý do gia đình có công việc bận, không quản lý được thì nguyên nhân chính khiến anh sang quán là lợi nhuận giảm mạnh. 

"Cố gắng gồng gánh qua giai đoạn dịch bệnh, hy vọng sẽ sớm phục hồi nhưng dù mọi hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường hơn 1 năm, buôn bán vẫn rất khó khăn. Khách quen thì vẫn đến uống cà phê hằng ngày thôi nhưng họ không còn rủ bạn bè đến tụ tập nhiều như trước. Hoặc có người trước ngày nào đi làm cũng ghé mua 1 ly cà phê, 1 ly nước ép, giờ thất nghiệp ở nhà nên cũng tự mua cà phê uống luôn, khỏi ghé. Nói chung cũng khó mà mình lại đang có hướng khác nên sang lại cho người khác có nhiều thời gian đầu tư, chăm chút hơn", anh T. chia sẻ.

Quán nhậu cũng khốn khổ

Tình hình kinh tế khó khăn, trước khi tiết kiệm tiền cà phê thì nhiều người đã gần như cắt hẳn khoản "ăn nhậu" nên nhiều nhà hàng, quán ăn ngày càng gặp khó. "Cứ tình hình thế này, chắc tôi sắp phải về quê con trâu đi trước, cái cày theo sau chứ trụ không nổi, sắp phá sản tới nơi rồi", anh H.Minh, chủ quán hải sản ở H.Bình Chánh, than thở. Theo anh Minh, giờ nhiều doanh nghiệp cắt giảm lương, thưởng, thu nhập của người lao động sụt giảm nên mọi người cũng hạn chế chi tiêu ăn uống. Lại thêm siết chặt quản lý theo Nghị định 100 nên chẳng ai còn dám đi ăn nhậu nữa. Lượng khách của quán anh Minh giảm tới 50%. 

"Chỗ tôi bán rẻ lắm mà giờ cũng chẳng có khách. Vài ba đĩa ốc, thêm mấy chai bia, cho cả đĩa heo quay thì cũng chỉ 200.000 - 300.000 đồng, nhưng giờ họ ở nhà nhậu luôn rồi, vài trăm ngàn cũng không có. Trong khi đó, quy định gì cũng siết. Không chỉ Nghị định 100 mà phòng cháy chữa cháy, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… động tới cái gì cũng khó khăn", anh cám cảnh.

Mở quán ở Q.1 - trung tâm TP - nên quán dê của anh Thành Dân vẫn có túc tắc khách du lịch vãng lai bù thêm cho sự sụt giảm nguồn khách quen, nhưng anh Thành Dân lại khổ hơn anh H.Minh ở chỗ phải gồng chi phí thuê mặt bằng. Trước dịch, tiền mặt bằng 45 triệu đồng/tháng không phải vấn đề quá lớn, quán của anh Dân vẫn có lãi đều. Tuy nhiên từ sau dịch đến nay, tiền mặt bằng tăng lên 50 triệu đồng/tháng, trong khi khách thì giảm nhiều, gọi món cũng ít hơn, doanh thu giảm nên thu không đủ bù chi, quán kinh doanh lỗ liên tục. 

Nhìn từ góc độ du lịch, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist, cho biết thực tế, tình hình hoạt động của ngành du lịch hiện nay đã dần ổn định. Bước vào cao điểm hè, tình hình khách nội địa đến các điểm đến cũng ghi nhận vẫn "giữ phong độ" và hệ thống khách sạn, nhà hàng đang dần phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, hiện tượng các chuỗi khách sạn, nhà hàng, quán ăn khó khăn do "ế" khách vẫn diễn ra phổ biến ở TP.HCM là vì TP không phải hub du lịch mùa hè. Người dân cắt giảm chi tiêu, ít đi ăn bên ngoài hơn, ít hẹn hò hơn. Trong khi đó, khách du lịch không đổ về TP.HCM mà ngược lại, TP là thị trường đưa khách tỏa đi du lịch khắp nơi. Mùa hè là mùa du lịch nội địa lên ngôi nhưng lại không tới TP.HCM. Khách quốc tế thì bước vào mùa thấp điểm, ít nhất phải từ tháng 9 trở đi mới tới nên hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch vẫn gặp khó.

"Về lâu dài, TP.HCM cần chuyển đổi để trở thành hub du lịch từ các nơi đổ về. Muốn như vậy, TP phải hình thành được các khu vui chơi giải trí lớn, hấp dẫn. Khách đi Ðà Nẵng có Bà Nà Hill, đi Phú Quốc có United Center… TP.HCM chỉ có Ðầm Sen, Suối Tiên thì không thể thoát khỏi "mác" điểm trung chuyển. Nếu có những Universal, có Disneyland hay hình thành được các khu vui chơi giải trí lớn thì hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn vào mùa hè sẽ đỡ khó hơn", ông Nguyễn Hữu Y Yên nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.